Chặt hạ cây phượng: Sự hoảng loạn về trách nhiệm?

SÔNG HÀN 05/06/2020 05:06

Tại sao các trường không tìm hiểu nguyên nhân để có cách giải quyết hợp lý mà lại đốn hạ hàng loạt cây phượng?

Phải chăng, đang tồn tại cái gọi là tư duy cực đoan và sự hoảng loạn về trách nhiệm mỗi khi người ta gặp sự cố cần giải quyết?

Trường học

Một số trường học "trảm" cây phượng vĩ để đề phòng... tai nạn. Ảnh: Infonet.

Sau sự cố cây phượng bật gốc đè đè 18 học sinh lớp 6, khiến 1 em tử vong tại trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM), những ngày qua nhiều công sở, trường học trên địa bàn TP.HCM đã kiểm tra, rà soát và cắt tỉa cây xanh. Trong số các “đối tượng” bị chặt hạ, đầu bảng là cây phượng.

Như thường lệ, khi sự việc xảy ra chúng ta luôn quan tâm đến nguyên nhân và lỗi do ai. Và chuyện cây phượng tự nhiên bật gốc, cướp đi sinh mệnh của một đứa trẻ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Có lẽ, chẳng có ai ngờ những hàng cây xanh rì, hoa đỏ, chất chứa bao kỷ niệm thuở cắp sách đến trường, tỏa bóng mát cho thầy trò trong mùa nắng nóng lại có ngày gây thảm họa cho học sinh như thế.

Mặc dù hiệu trưởng nhà trường đã đứng lên nhận trách nhiệm về mình nhưng rất nhiều nơi người ta đổ lỗi cho “cây phượng” và chặt bỏ nó. Khắp nơi nơi là hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về cây phượng bị cưa chặt và “hạ gục”.

Nhất là sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học. Thế là, nhiều tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai, TP.HCM, Đà Nẵng… quyết liệt triển khai việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và cắt tỉa cây xanh.

Tuy nhiên, việc một số trường học thay vì cắt tỉa, lại đốn hạ toàn bộ cây phượng đang có một cách vô tội vạ khiến sân trường trở lên trống vắng, đã khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối với hình ảnh cây phượng đỏ - biểu tượng của lứa tuổi học trò.

Có nhiều người cho rằng lỗi không phải ở cây phượng khi nói: “Lỗi tại cây phượng hay sao lại đi cắt bỏ nó trơ trụi như vậy. Trường học sẽ còn gì là trường học nếu không rợp bóng mát cây xanh. Có phải chúng ta quá cứng nhắc khi một vài cây đổ lại đi đốn hạ tất cả các cây còn lại. Tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất, nhưng cũng đừng quá cứng nhắc”.

Còn dưới góc nhìn các chuyên gia, dù có nhiều kinh nghiệm đến mấy thì cũng không thể bằng mắt thường mà đoán bệnh cây. Nên ở đây chỉ có thể phòng ngừa bằng việc tỉa cành, mé nhánh thường xuyên và dự báo tình hình để có phương án xử lý. Việc các trường học giải quyết theo hướng an toàn là chặt hạ phần lớn cây xanh, nhất là cây phượng trong khuôn viên như thời gian qua là không nên. 

Nói như GS Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia sinh học - nông nghiệp, việc chặt cây phượng là sai hoàn toàn bởi cây phượng vĩ là loại cây rất bền, dẻo dai, tán lan đến đâu rễ lan đến đấy nên cây rất chắc chắn. Hơn nữa đây cũng là loại cây lá nhỏ, tán mỏng nên ít chịu tác động của gió bão, hạn chế tối đa hiện tượng gãy đổ.

"Vừa rồi nhiều người nói đến cây phượng đổ khiến một học sinh tử vong, ở đây cây phượng không có lỗi”, GS Nguyễn Lân Hùng bày tỏ và cho rằng không nên vì sự việc ấy mà chặt bỏ loại cây này. Thậm chí, theo ông thì "cây phượng rất nên trồng”.

Cây phượng được dựng các trụ chắn ở trường THCS Lê Văn Tám, Quận 8, TPHCM. Ảnh: VOV

Cây phượng được dựng các trụ chắn ở trường THCS Lê Văn Tám, Quận 8, TPHCM. Ảnh: VOV

Đúng vậy, thực tế có nhiều cách để giải quyết vấn đề một cách đơn giản và đảm bảo an toàn cùng màu xanh và vẻ đẹp truyền thống của các ngôi trường cho học sinh. Đó là, thay vì hấp tấp chặt bỏ, các ban giám hiệu nhà trường có lẽ nên tham khảo kỹ ý kiến các nhà chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, có giải pháp bảo vệ cây trồng. Thậm chí có thể làm hệ thống bảo vệ, chống gãy đổ như ở một số thành phố đang làm thì cũng đã không đi đến cách làm cực đoan ấy.

Nói cách khác, chặt phá hết cây đi khi chưa có khảo sát, đánh giá đẩy đủ vì sao loài cây đó được trồng, có nên tiếp tục duy trì hay thay thế, chặt bỏ đi trồng cây khác… lại là một sự vội vàng và đó không phải là cách làm khoa học của những cơ sở giáo dục, đào tạo.

Theo đó, không nên cực đoan thái quá sau vụ việc cây phượng bật gốc mà  các trường ở TP.HCM , cũng như nhiều địa phương khác quyết định đốn bỏ toàn bộ loại cây này. Bởi, sau “cuộc thanh trừng” cây phượng này, nhiều thế hệ học trò về sau không còn biết bóng dáng cây phượng ra sao.

Trong khi, xét cho cùng thì kiến thức ở trường nào cũng như nhau nhưng ký ức về tuổi học trò thì mỗi sân trường một khác. Mà khi chúng ta đi học thì ký ức bao gồm cả “sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm”, cả “cánh phượng hồng ngẩn ngơ”... chứ đâu phải chỉ là sách bút.

Có điều, từ “cuộc thanh trừng” hàng loạt cây phượng (hy vọng không phải nhiều trường làm vậy), có phải lộ ra cho chúng ta thấy một vấn đề: Đang tồn tại cái gọi là tư duy cực đoan và sự hoảng loạn về trách nhiệm mỗi khi người ta gặp sự cố cần giải quyết?

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục, các thầy/cô với chức phận “trồng người” - tạo nên các chủ nhân tương lai đất nước, lại có tư tưởng cực đoan, sợ trách nhiệm… như vậy có đáng lo ngại?

Có thể bạn quan tâm

  • Sao phải "hạ gục" nhiều cây phượng?

    14:00, 03/06/2020

  • Có phải lỗi ở cây phượng?

    13:29, 29/05/2020

  • Chuyện giáo dục hay chuyện “bên trong cây phượng”?

    06:12, 27/05/2020

SÔNG HÀN