Gian dối trong học thuật
Cái gì nhiều cũng xuống giá, nhiều thì không còn quý nữa. Câu chuyện thực chất giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) hiện nay cũng vậy.
Câu chuyện 16 ứng cử viên ngành Y – Dược bị tố là gian dối và không đủ điều kiện tiêu chuẩn xét để công nhận chức danh GS, PGS đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận.
Mới đây, GS Nguyễn Ngọc Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa có báo cáo gửi Hội đồng GS Nhà nước và Vụ Thanh tra - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo báo cáo gửi lên Hội đồng GS Nhà nước của GS Nguyễn Ngọc Châu, thời gian qua GS Phạm Đức Chính (ngành Cơ học) và GS Nguyễn Ngọc Châu (ngành Sinh học) đã nhận được 11 thư tố cáo 16 ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược có vấn đề về các bài báo khoa học, không đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Trong số 16 ứng viên bị tố cáo thì có 15 ứng viên đã được các Hội đồng GS ngành thông qua để xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2020.
Nội dung tố cáo với 16 ứng viên, thì 12/16 ứng viên không đạt yêu cầu về công bố do không đủ bài theo yêu cầu đối với ứng viên GS, PGS; 3/16 ứng viên PGS có đủ số bài theo yêu cầu đối với ứng viên PGS. Hầu hết các bài đăng báo của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí Open Access (OA). Đây là các tạp chí mở, thường mất phí để đăng tải.
Cụ thể, ở ngành Dược có 6 ứng viên bị tố cáo, trong đó có ứng viên GS bị tố đăng 6 bài trên tạp chí OA không liên quan đến chuyên ngành phân tích kiểm nghiệm trong tạp chí chuyên đăng bài tổng quan. Hoặc là bị tố khai báo hồ sơ không trung thực.
Ở ngành Y có 10 ứng viên GS, PGS bị tố cáo. Đặc biệt, 3 ứng viên GS đã được Hội đồng GS ngành Y thông qua, bị tố đăng bài trên tạp chí OA. 7 ứng viên PGS ngành Y bị tố đăng bài trên tạp chí OA, trong đó có ứng viên đăng bài ở ngành Dược. Kết quả thẩm định của GS Nguyễn Ngọc Châu thì có 6 trường hợp không đủ bài báo quốc tế. Trong số này, 1 ứng viên sau khi thẩm định thì không có bài báo nào được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, 1 ứng viên khai có 11 bài nhưng chỉ còn 4 bài nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn PGS.
“Các Hội đồng GS ngành Y và ngành Dược vì lý do nào đó đã chưa thực hiện tốt việc thẩm định, dẫn đến thông qua nhiều ứng viên không đáp ứng đủ chuẩn về công bố bài báo quốc tế và yêu cầu về giảng dạy” - GS Nguyễn Ngọc Châu nhận xét như vậy khi nói đến câu chuyện 16 ứng viên nói trên.
GS, PGS trước đây rất hiếm, thành thử những GS, PGS thời đó còn là một biểu tượng trên nền tảng trung thực về học thuật, đạo đức và tầm ảnh hưởng xã hội. Khách quan mà nói, đóng góp của người Việt, những nhà nghiên cứu gốc Việt cho nhân loại không phải là nhỏ bé.
Chẳng hạn như thời xưa, chúng ta có thể tự hào kể đến những vị như Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu… Ngay cả việc thiết kế Tử Cấm Thành triều Minh cũng được cho là của một người Việt. Hay việc sáng chế ra máy ATM mà cả thế giới sử dụng cũng là người Việt.
Còn ngày nay, chúng ta có thể kể đến những Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân, Ngô Bảo Châu, Vũ Quang Việt… và rất nhiều những nhà khoa học, kinh tế gốc Việt ở nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia trên thế giới được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tiếc rằng, ở đâu đó của ngành giáo dục vẫn có những hạt sạn, và trường hợp nói trên chính là sự gian dối về học thuật. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục nước nhà nói chung khi vô tình tạo ra cái gọi là bệnh thành tích, cái gọi là “lạm phát TS, GS, PGS”. Mà tình trạng lạm phát này khiến cho thật giả lẫn lộn, không ai dễ nhận biết đâu là người trung thực về học thuật, kiến thức uyên thâm.
“Sự lạm phát cũng có thể gây ra tình trạng “thật giả lẫn lộn”. Và khi một thứ rất nghiêm túc trở thành hàng giả thì chỉ còn lại là sự mỉa mai của công chúng mà thôi”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Có thể nói, chất lượng GS, PGS có thể phụ thuộc một phần ở quy trình tuyển chọn, bỏ phiếu… của các hội đồng. Nhưng sự đánh giá của xã hội thì không phụ thuộc vào những quy trình này. Và, thực tế cho thấy không phải mọi GS, PGS đều đạt được điều dư luận xã hội mong đợi.
Điều này cũng có nghĩa, việc công nhận và bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề và hệ quả kéo theo, thì rõ ràng là quy trình ấy thực sự “có vấn đề”. Tức là, điều quan trọng hiện nay không phải là lôi ra danh tính cụ thể những GS, PGS không đạt chuẩn nữa, mà phải thẳng thắn nhìn nhận để thay đổi lại nội hàm, cách thức, quy trình công nhận và bổ nhiệm GS, PGS cho phù hợp với thực tiễn.
Chúng ta phải dũng cảm chấp nhận thực tế vì xã hội đang băn khoăn về chất lượng GS, PGS và không thể phủ nhận là có một số rất ít người háo danh. Tuy không hẳn là điều phổ biến, nhưng hệ quả của nó là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và xã hội thấy đó là điều phản cảm.
Để rồi bây giờ nhiều người lại ước mơ: Giá như vấn đề học thuật đều được xây dựng trên sự trung thực, liêm chính thì nhiều hay ít GS, PGS không phải là vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
Giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu thực tế
11:00, 23/10/2020
Giáo dục nghề nghiệp chưa tương thích
14:00, 20/10/2020
Giáo dục nghề nghiệp hút nhân lực chất lượng cao
04:00, 11/10/2020
Bên lề giáo dục: Những khoản thu “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” sao vẫn còn?
05:30, 05/10/2020
Giáo dục và câu chuyện “lạm thu”
05:30, 02/10/2020
Ngành giáo dục mang nhiều nhức nhói: Bộ trưởng đang nơi đâu?
05:30, 28/09/2020