Đất nước những ngày này nhớ năm xưa

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 21/08/2021 06:00

Chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến phi truyền thống, và những bài học từ quá khứ là sức mạnh nếu biết phát huy.

Trận chiến nào rồi cũng vậy, phòng tuyến vững chắc cuối cùng vẫn là dân

Trận chiến nào rồi cũng vậy, phòng tuyến vững chắc cuối cùng vẫn là dựa vào dân

Thầy Hà Văn Thịnh, một nhà sử học danh tiếng ở Đại học Huế từng đưa ra kết luận khúc chiết về môn học này: “Lịch sử không chỉ là con số và sự kiện”. Đúng như vậy, đằng sau những con số thống kê, cột mốc thời gian là bài học được rút ra từ xương máu, rất nhiều trong đó có giá trị vĩnh cửu.

Hà Nội những ngày này hanh vàng trong nắng thu, y hệt không khí mùa thu cách đây 76 năm về trước, thắng Nhật, đuổi Pháp, tuyên ngôn độc lập và sau đó là khoảng thời gian xoay xở giữ vững chính quyền cách mạng, vượt qua khó khăn cùng cực.

Mùa thu nay giặc dịch hoành hành, bối cảnh xưa tái hiện trong tình hình mới, những bài học tưởng chừng xưa mà vẫn còn mới tinh, là tương thân tương ái, trên dưới đoàn kết, Đảng - dân đồng lòng, tạo ra phòng tuyến phát huy sức mạnh toàn dân, quyết bước qua thảm họa.

Từ năm 1930 đến nay, vận mệnh dân tộc ta gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam. Để cách mạng tháng 8 thành thắng lợi - không ai có thể phủ nhận sự lãnh đạo xuất sắc của Đảng, lúc đó là Hồ Chủ tịch và những yếu nhân kiệt xuất.

Ngay lúc này, để chiến thắng đại dịch COVID-19, giảm bớt thương đau mất mát, Đảng một lần nữa phải tiên phong đứng trước thử thách làm sao để hiệu triệu toàn quốc đồng bào một lòng đoàn kết, tuân thủ tin tưởng chủ trương, đường lối.

Vẫn là thế, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong khó khăn này, những người đảng viên phải tỏ rõ khí chất của người vô sản chân chính, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Không lạm dụng quyền lực vun vén cho sự an toàn của bản thân và gia đình, không “đục nước thả câu”, không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy khó khăn,… bởi vì chống dịch đúng nghĩa một cuộc chiến - cuộc chiến phi truyền thống, phải có chiến sĩ ở tuyến đầu.

Trong tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945, lúc đó Đảng chỉ có 5.000 Đảng viên, nhưng họ thật sự là “vàng mười”, là hạt nhân trong quần chúng, tuyệt đối vì lợi ích đại cục. Hiện nay có 5,4 triệu Đảng viên, theo logic Đảng phải mạnh hơn, tinh anh hơn.

Giải quyết cái ăn là vấn đề muôn thuở, sau 3/4 thế kỷ, “giặc đói” có nguy cơ tái hiện khi dịch bệnh không cho phép đi làm, gia đình không thu nhập, doanh nghiệp kiệt quệ, ngân khố sẽ giảm sút.

Bà mẹ quê tất cả mang trái bí đến ủy ban xã góp gửi vào miền Nam - đó là phiên bản hiện đại của phong trào “hũ gạo cứu đói” những năm 40 thế kỷ trước; cá nhân, doanh nghiệp góp tiền mua vaccine - đó là hình ảnh “tuần lễ vàng” quyên góp cho ngân khố do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Qũy vaccine - biểu hiện của tình đoàn kết

Qũy vaccine - biểu hiện của tình đoàn kết

Nhân dân ta luôn nhường cơm sẻ áo, xót xa trước nghịch cảnh của nhau, đó đã là tính cách dân tộc, đó là sức mạnh không gì thay thế được mà Đảng, Nhà nước sở hữu, chỉ cần chính sách đúng, hợp lòng dân, tất cả vì dân thì sức mạnh ấy còn nhân lên gấp bội.

Hẳn nhiên, đừng mãi khai thác sức dân mà quên khoan thư sức dân, 76 năm trước, Đảng và Bác Hồ mất 15 năm chuẩn bị, xây dựng lực lượng, nuôi dưỡng tiềm lực trong dân, trải qua 3 cuộc tập dượt mới chính thức bước vào thực hiện cách mạng năm 1945.

Chúng ta mới hơn 2 năm chiến đấu với dịch COVID-19, hơn 2 tháng vật lộn với ổ dịch lớn ở TPHCM, chặng đường còn rất dài, tiêu tốn nhiều sức người, sức của. Điều này cũng có nghĩa là trường kỳ kháng chiến.

Vì vậy, mỗi chính sách, mỗi quyết định ban ra cần thận trọng hết mức, tránh an toàn cho quan, rủi ro cho dân, bằng mọi cách nuôi dưỡng lực lượng lao động, doanh nghiệp nòng cốt, giống như tăng cường cày cấy dưới bom đạn trên những cánh đồng ở Bắc Bộ để có “quê hương 5 tấn”, “gió đại phong” “sóng duyên hải”,…

Kết hợp sức mạnh thời đại là yếu tố cần có trong mọi thành quả của Đảng, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Vaccine trở thành vũ khí chiến lược, chẳng khác gì tên lửa, súng ống, đạn dược mà Việt Nam được viện trợ cả hoàn lại lẫn không hoàn lại trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Để vượt qua dịch bệnh, cần có thứ vũ khí vaccine, các nước lớn tung ra con bài “ngoại giao vaccine”, dùng vaccine để khuếch trương thanh thế, giải quyết các nút thắt địa chính trị. Với tầm quan trọng chiến lược hiện nay, chúng ta có thể vận dụng linh hoạt để thu hút sức mạnh thời đại.

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Cả nước chung tay chống dịch COVID-19

    CẢM XÚC XUÂN: Cả nước chung tay chống dịch COVID-19

    15:58, 08/02/2021

  • VNPT đồng loạt giảm giá cước viễn thông chung tay chống dịch COVID -19

    VNPT đồng loạt giảm giá cước viễn thông chung tay chống dịch COVID -19

    10:46, 08/04/2020

  • Nữ doanh nhân Hải Phòng chung tay chống dịch COVID-19

    Nữ doanh nhân Hải Phòng chung tay chống dịch COVID-19

    15:51, 29/03/2020

  • CenGroup dành 10 tỷ đồng chung tay chống dịch COVID-19

    CenGroup dành 10 tỷ đồng chung tay chống dịch COVID-19

    11:00, 07/04/2020

  • Fomosa Hà Tĩnh chung tay chống dịch, đẩy mạnh sản xuất

    Fomosa Hà Tĩnh chung tay chống dịch, đẩy mạnh sản xuất

    18:19, 08/04/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ