COVID-19, tôn giáo và tinh thần “hộ quốc dân an”

THIÊN ÂN 29/08/2021 05:00

Các tôn giáo Việt Nam đã có những đóng góp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.

Với sự đa dạng các loại hình văn hóa, tín ngưỡng, Việt Nam được ví như “thư viện tôn giáo” của thế giới. Điều đó đã góp phần tạo nên nền văn hóa đặc sắc, muôn màu, muôn vẻ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau đã được nhà nước công nhận, mỗi tôn giáo đều có giáo lý riêng nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta từ khi thành lập luôn nhất quán chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tôn giáo đều được tôn trọng, bình đẳng trước pháp luật, không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Chinhphu.vn

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có gần 27 triệu đồng bào có đạo trên cả nước.

Hầu hết các tôn giáo đều có tín đồ, chức sắc, nhà tu hành bị nhiễm SARS- CoV-2 và không ít người đã tử vong vì dịch bệnh. Các hoạt động tôn giáo cũng bị xáo trộn, thay đổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của các tín đồ.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) Lê Thị Liên khẳng định:

“Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. Chúng ta cần sự quyết tâm hành động của toàn xã hội. Chỉ khi ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.”

Trước tác động, ảnh hưởng của COVID-19, các tôn giáo Việt Nam đã có những đóng góp to lớn với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 như: Tín đồ các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành…) sẵn sàng đi vào tâm dịch; Góp tiền, nhu yếu phẩm… cho công tác chống dịch..v..v.

Hẳn người dân ở những địa phương có dịch, tâm dịch sẽ thấy cảm động với phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát động.

Hoặc, đã có gần 200 linh mục, tu sĩ của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến để chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11. Ảnh MTTQ

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện quận 11, TP HCM. Ảnh: MTTQ

Riêng TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã 2 lần tổ chức Lễ xuất quân cho các vị tăng ni, phật tử cùng chức sắc, tu sĩ Công giáo, Tin Lành đăng ký là tình nguyện viên xung phong lên tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 (40 người),..v.v.

Ngoài ra, còn có các chương trình “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”. Các chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị COVID-19. Rồi, sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng…v..v.

Chia sẻ về các Tình nguyện viên tôn giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Giữa lúc bệnh tình gây hoang mang, lo lắng, có các nữ tu, các tăng ni, phật tử kề cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật”.

Có thể nói, việc hoạt động tôn giáo của mỗi người là quyền tự do tôn giáo và là quyền của mỗi công dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù là Công giáo, Phật giáo hay bất kỳ đạo nào, thì con người theo tu hành đều hướng tới cái đích chung cuối cùng là cái thiện, sống tốt đời đẹp đạo.

Thời điểm đất nước lâm vào khó khăn, các tôn giáo Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần “hộ quốc dân an”, góp phần tạo nên khối đại đoàn không thể tách rời của dân tộc, tạo ra sức mạnh toàn dân, cùng đất nước đi qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách an dân để chống dịch

    04:10, 27/08/2021

  • Chống COVID-19: Vì nhân dân quên mình…

    09:00, 24/08/2021

  • Tạo “lá chắn thép”, cùng nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19

    07:00, 24/08/2021

  • Huy động tổng lực để an dân: Đưa tiền sao cho hiệu quả?

    16:40, 22/08/2021

  • Huy động tổng lực để an dân: Người dân cần an sinh

    04:50, 22/08/2021

  • Huy động tổng lực để an dân: Các gói hỗ trợ người dân, vượt dịch

    15:00, 21/08/2021

  • An dân giữa đại dịch

    04:00, 19/08/2021

  • Chống COVID-19: Chỉ cần toàn dân ý thức và trách nhiệm...

    13:25, 17/08/2021

  • Chống dịch và an dân

    06:31, 17/08/2021

THIÊN ÂN