NHỊP SỐNG MỚI: Hồi sinh và sống chung với dịch

SÔNG HÀN 04/11/2021 04:24

Sau đợt dịch kinh hoàng, chúng ta mới dễ dàng cảm nhận mảnh đất Sài Thành đang hồi sinh nhanh chóng ra sao.

Cuộc chiến đấu với dịch COVID-19 ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã trải qua những ngày tháng căng thẳng, khốc liệt. Hơn bốn tháng qua, TP.HCM đứng trước tình huống khó khăn khi ca bệnh tử vong tăng cao, bệnh viện quá tải, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ngày đêm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Để đối phó với đại dịch thì cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế và toàn thể người dân TP.HCM đều vào cuộc để đẩy lùi đại dịch và hôm nay chúng ta đã làm được điều đó.

TP HCM đã hồi sinh sau hơn một trăm sáu mươi ngày đương đầu với dịch bệnh.

TP.HCM đã hồi sinh sau hơn một trăm sáu mươi ngày đương đầu với dịch bệnh.

Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM đã và đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Số ca thu dung điều trị mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả tầng, số ca mắc mới, tử vong tiếp tục giảm; số ca F0 nhập viện thấp hơn số ca xuất viện.

Nói cách khác, những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện đẩy đi những đám mây u ám trên bầu trời TP.HCM, báo hiệu những bình minh trong trẻo, người dân thành phố đang dần trở lại cuộc sống bình thường.

Minh chứng là, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tối 31/10 cho biết thành phố đang ở cấp độ 2, tỉ lệ vùng xanh đạt 45%. Trong 22 địa phương (cấp quận, huyện và TP Thủ Đức) có 10 địa phương thuộc cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp, chiếm 45%) và 12 địa phương thuộc cấp độ 2 (vùng cam, nguy cơ trung bình, chiếm 55%)”.

Gần cả trăm nghìn học sinh ở TP.HCM đã được tiêm chủng và nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 12 học trò lớp 9, 12 sẽ đến trường học trực tiếp. Đấy là điều mà chỉ hơn một tháng trước ít ai dám nghĩ đến như mơ về ngày ngồi quán nhâm nhi ly cà phê, thưởng thức tô phở nóng như ngày đầu tháng 11 này.

Hoặc câu chuyện đường phố TP.HCM tấp nập đầy sinh khí trong lễ hội Halloween tối 31/10 và hàng quán đông đúc người ra vào mấy ngày qua, tín hiệu cho thấy TP.HCM sẽ hồi phục nhanh đang rõ ràng hơn.

Thường xuyên kiểm tra chỉ số ô xy trong máu bằng máy đo SpO2.

Một gia đình tại TP.HCM trong thời điểm chiến đấu với COVID-19, phải thường xuyên kiểm tra chỉ số ô xy trong máu bằng máy đo SpO2.

Nhìn sang hàng xóm, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang được kiểm soát tương đối tốt. Hay như Hà Nội, Quảng Ninh là những địa phương có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao hàng đầu của cả nước càng chứng minh cho việc “Thích ứng an toàn với COVID-19” sẽ hiệu quả khi tỷ lệ dân số đã tiêm vắc xin khá cao. Việc Hà Nội không bùng dịch dù người dân lũ lượt ra đường đêm Trung thu là một trong những bằng chứng rõ rệt nhất.

Nhìn rộng ra, Singapore và Malaysia đều phải đối mặt với số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh vào đầu năm nay, bắt nguồn từ biến thể Delta. Cả hai quốc gia đều theo đuổi các chính sách “không COVID-19” bằng cách áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, cả Singapore và Malaysia đang chuyển hướng coi COVID-19 là bệnh địa phương bằng cách kiểm soát dịch bệnh bằng vắc xin thay vì tiếp tục áp đặt các lệnh hạn chế. Điều này cũng phần nào phản ánh phương pháp “sống chung với COVID-19” nhiều quốc gia phương Tây đã áp dụng như Anh và một số nơi ở Mỹ.

Trở lại với vấn đề của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung, thì chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19 của Việt Nam đang cho thấy tính đúng đắn và hợp lý. Dù có thể phải chờ thêm một hai tháng nữa, sau thời gian đủ dài để cho thấy hiệu quả hoặc hậu quả của việc cho ăn uống tại chỗ, vui chơi ngày một nhiều nhưng với tình hình khác trước rất nhiều, vắc xin phủ rộng, chữa trị hay dự phòng tốt hơn thì mối lo không quá lớn.

Nói vậy bởi vì, nói không quá khi có lẽ nước ta là trong “top ten” hàng đầu dùng nhiều thương hiệu vắc xin nhất thế giới: Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Cu Ba… đều có cả. Và có lẽ cũng là một trong các nước được hỗ trợ, chi viện vắc xin nhiều nhất thế giới nhờ chính sách “ngoại giao vắc xin” hiệu quả.

Dẫu vậy, chúng ta phải xác định tình hình “bình thường mới” nhưng vẫn trong điều kiện “Sống chung với dịch”. Chúng ta, không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra, vẫn thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí như thước đo trong phòng, chống dịch.

Vẫn kiên định: Phòng dịch là cơ bản lâu dài, chống dịch là kịp thời và hiệu quả. Vẫn thuộc lòng phương châm: “An toàn đến đâu, sản xuất đến đó, an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Dù sao đi nữa, sau đợt dịch kinh hoàng, chứng kiến các hoạt động sản xất kinh doanh, đời sống xã hội đang được khôi phục thì chúng ta mới dễ dàng cảm nhận mảnh đất Sài Thành đang hồi sinh nhanh chóng ra sao.

Tất nhiên, không thể ảo tưởng COVID-19 đã được dẹp yên hay tự mãn sau những gì đạt được. Nhưng với những bài học “xương máu” đã qua, kinh nghiệm đã có, vắc xin rồi sẽ phủ đầy, y tế sẽ vững vàng nhiều kinh nghiệm hơn…

Có lẽ ngày cả nước như TP.HCM, cùng sống chung và “Thích ứng an toàn với COVID-19” chắc không còn xa.

Có thể bạn quan tâm

  • NHỊP SỐNG MỚI: Tâm sự người trong cuộc

    05:30, 01/11/2021

  • NHỊP SỐNG MỚI: Âm vang tiếng máy - mạch chảy ngầm trong dịch

    05:03, 31/10/2021

  • NHỊP SỐNG MỚI: Hạnh phúc khi cả gia đình cùng chiến thắng COVID-19

    10:00, 30/10/2021

  • NHỊP SỐNG MỚI: Nỗi sợ hãi là bậc thang dẫn đến bến hồi sinh

    05:38, 29/10/2021

  • NHỊP SỐNG MỚI: Tình yêu thương giúp thay đổi con người

    05:10, 28/10/2021

SÔNG HÀN