Chuyện “treo” tiền thưởng của nhân viên y tế
Số tiền khoảng 19 tỷ đồng khen thưởng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 không hiểu vì lý do gì, vẫn đang “treo” ở đâu đó.
>>Giải pháp "giữ chất xám" từ các bệnh viện công
Những vấn đề liên quan đến ngành Y vẫn đang nóng rần rần thời gian qua. Từ chuyện kỷ luật cán bộ, đến việc “chảy máu chất xám”, rồi chuyện khen thưởng khi mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã phải gửi lời xin lỗi đến các nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch vì sự chậm trễ khen thưởng.
Con số 19 tỷ tiền thưởng không phải nhỏ, nhưng để chia đều cho 40.000 nhân viên y tế thì lại chẳng đáng thấm là bao so với những cống hiến không mệt mỏi của những chiến binh quả cảm. Nhẩm ra, nếu được nhận mỗi nhân viên y tế tình nguyện tham gia chống dịch tại TP HCM cũng chỉ chưa đến 500.000 đồng - tương đương 10 bát phở ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Đáng bàn là mặc cho Sở Y tế đã làm xong theo yêu cầu, đến nay kinh phí vẫn chưa có. Gọi Ban thi đua khen thưởng thành phố thì được trả lời là “không có kinh phí”, gọi Sở Tài chính thì được trả lời “chỉ cấp cho Ban thi đua”. Liên lạc với Ban thi đua thì nhận được trả lời “chỉ cấp kinh phí cho bằng khen chứ không cấp cho giấy khen”.
Vòng “mê cung” khiến đến thời điểm này khoản tiền thưởng ấy vẫn chưa biết khi nào mới có. Vậy nên, việc ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM “bối rối” cũng dễ hiểu, song tin rằng, người dân và nhất là 40.000 nhân viên y tế - lực lượng tham gia chống dịch đợt cao điểm ở TP HCM còn mong mỏi hơn thế.
Cá nhân tôi không công tác trong ngành Y và cũng không bảo vệ quan điểm nào một cách mù quáng. Tôi đọc thông tin thấy cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc khen thưởng cho nhân viên y tế. Trong đó có người còn nói ngành Y tế giờ còn mắc thêm “bệnh than”, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi khiến tôi khá “sốc”.
“Sốc” vì quan điểm này có vẻ hơi duy ý chí, nhìn nhận thiếu sự công bằng, khách quan. Giữa lúc đại dịch căng thẳng nhất, như một hệ quả tất yếu, hình ảnh y bác sĩ xuất hiện tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội với nhiều mỹ từ ngợi ca. Nhưng, sau khi dịch tạm lắng xuống, bằng những chia sẻ đó có thể làm tổn thương bất cứ nhân viên y tế nào đã không quản ngại nguy hiểm, xông vào tâm dịch TP HCM một năm trước.
>>Thuốc nào chữa “chảy máu nhân sự” ngành y?
>>Thấy gì từ việc hàng trăm cán bộ ngành Y bỏ việc?
>>Ngành Y tế và cuộc đại phẫu không thuốc tê
Chúng ta đã từng chứng kiến, khi làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát ở TP HCM, hệ thống y tế tại chỗ rơi vào khủng hoảng. Hàng chục nghìn y bác sĩ đã tình nguyện lên đường - trong điều kiện thiếu bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng thậm chí còn không đủ - để đến nơi mà miệng mũi của họ chỉ cách virus của người bệnh chưa đầy gang tay.
Nói thẳng ra, vào thời khắc nước sôi lửa bỏng nhất, TP HCM cần sự hỗ trợ nhất, 40.000 “chiến binh áo trắng” đã không một phút đắn đo, sẵn sàng lao lên tuyến đầu. Gác lại tình riêng, họ bất chấp hiểm nguy để góp sức cùng thành phố vượt qua những thời khắc căng thẳng nhất.
Có lẽ, một khi đã chấp nhận gác tình riêng đi chống dịch, chắc chắn các “chiến binh áo trắng” không hề nghĩ tới việc sẽ được khen thưởng về sau. Chắc chắn, tấm lòng vì cộng đồng, sự thôi thúc và tiếng gọi từ con tim, vì sự bình yên của thành phố mới là điều họ hướng đến.
Và nghĩ đến con số gần 500.000 đồng tiền thưởng kia, nói nhiều không nhiều, ít cũng không có gì quá đáng, có hay không có số tiền ấy vào lúc này không phải cốt lõi, mà trọng yếu vẫn là chế độ đãi ngộ, chính sách cho nhân viên trong ngành y tế hiện nay. Đây là việc cần làm và phải làm ngay lúc này để có thể tri ân những người hùng thầm lặng này một cách trọn vẹn và có ý nghĩa nhất.
Tuy nhiên, việc khen thưởng nhân viên y tế lẽ ra phải rất đơn giản. Chủ trương này đã được tính toán khi dịch bệnh còn chưa kết thúc. Nhưng khi thực hiện một việc có tác động rất lớn, mà hành động đó thể hiện sự tri ân. Lẽ ra phải bằng mọi giá để thực hiện, trong khi đó lại cứng nhắc với thủ tục hành chính đơn thuần.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, có người nói do kỹ năng làm việc, có người nâng quan điểm hơn là trách nhiệm. “Đã nói là xảy ra không bình thường thì làm gì có dự kiến, dự trù trước cho khen thưởng. Trong trường hợp đặc biệt thì phải tìm cách tham mưu để có cơ chế đặc biệt. Sở Y tế cứ âm thầm, lặng lẽ đề xuất với thi đua, thi đua thì không có nguồn...”, Bí thư Nguyễn Văn Nên dẫn chứng.
Thậm chí, đích thân người đứng đầu TP HCM còn bày tỏ bản thân không biết nói gì ngoài tự nghiêm túc nhận lỗi và phải nhanh chóng thực hiện. Đây cũng là bài học đáng để suy ngẫm trong một việc tưởng như bình thường để không xảy ra những sự việc tương tự.
Lời xin lỗi chính là sự cầu thị, biết lắng nghe dư luận, nhân dân nói chung, thấu nỗi lòng của lực lượng y tế nói riêng của Bí thư Nguyễn Văn Nên. Bởi trong những lý do khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc thời gian qua. Dễ thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch nhưng thu nhập quá thấp, không thể trụ được với nghề.
Tôi nhớ Nhà văn Nam Cao từng gửi gắm quan điểm rất hay trong tác phẩm Lão Hạc thế này: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất...”.
Vâng! Lực lượng y tế ấy - Họ vẫn là con người vẫn cần miếng cơm manh áo. Họ cũng không phải là “thiên thần áo trắng”, họ không từ trên trời rơi xuống để làm sứ mệnh “chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Họ cũng chỉ là con người bình thường, cần một cuộc sống no đủ để toàn tâm toàn ý thực hiện hành động cao thượng “giúp người, cứu người”.
Vậy nên, đừng vì cái nhìn ích kỷ, duy ý chí, đừng vì cách làm cứng nhắc mà vô tình gây tổn thương không đáng có cho hơn 40.000 nhân viên y tế - những người từng xông pha vào tâm dịch trong lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất.
Có thể bạn quan tâm
Những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến COVID-19
04:30, 27/02/2022
Thủ tướng gửi thư khen, động viên các “chiến sĩ áo trắng”
19:27, 04/08/2020
Bộ Y tế phát công văn hỏa tốc về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4
01:00, 04/07/2022
Vaccine COVID-19 sắp hết hạn có đảm bảo hiệu quả?
01:00, 02/07/2022
Ngành xây dựng trước thách thức hậu Covid-19
18:07, 01/07/2022
Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về đối tượng tiêm, liều lượng, loại vaccine phòng COVID-19
15:37, 24/06/2022
Ngành Y hậu COVID-19: Nhân sự và trách nhiệm
05:15, 09/06/2022