Tăng liều thuốc trị “virus sợ trách nhiệm”
Ai cũng biết sợ pháp luật là đúng, phải biết sợ thì mới làm đúng, nhưng nỗi sợ trở thành “căn bệnh”, làm cản trở động lực phát triển, cản trở sự sáng tạo thì cần phải xem lại.
>>Chấm dứt "bệnh" sợ trách nhiệm
Một thực tế đáng buồn là căn bệnh sợ trách nhiệm, hay “virus sợ trách nhiệm” đã lây lan trong và phát tác mạnh trong hệ thống cơ quan công quyền từ địa phương đến Trung ương, từ miền ngược đến miền xuôi… thời gian qua.
Tức là, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm không chỉ diễn ra tại thành phố mà còn ở nhiều địa phương, có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã quyết được nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều ban, bộ, ngành, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới đây thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP.HCM sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ.
Nhân đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ thẳng: “Cán bộ, công chức TP.HCM có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm khi trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền thành phố”.
Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng khi thực hiện thì lại luôn sợ và không quyết định những vấn đề chỉ vì mục đích an toàn cho mình.
Thế nên mới có chuyện trong đợt phòng dịch COVID-19 tình trạng nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự.
Thế nên mới có chuyện công tác giải ngân, triển khai đầu tư công bị ảnh hưởng khi đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đa số đều đạt tỷ lệ rất thấp, mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này…v..v.
Câu chuyện trách nhiệm nó vẫn “nóng” tới độ vào sáng 19/4 vừa qua, chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cán bộ công chức chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất. Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương.
>>Xử lý "bệnh" sợ trách nhiệm trong phê duyệt dự án
>>Bệnh “sợ trách nhiệm”
>>Chính sách nhân văn bị bóp méo vì căn bệnh… sợ trách nhiệm
Vậy “virus sợ trách nhiệm” ở một bộ phận công bộc ấy xuất phát từ đâu?
Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng mặt chủ quan cần nhấn mạnh là năng lực, trình độ. Năng lực kém, trình độ hạn chế nên họ không thông thạo công việc, không hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực công tác của mình.
Còn mặt khách quan, nguyên nhân chính đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh. Chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung, cản trở sự phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.
Tác động tiêu cực của hiện tượng này, đó là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, trung thực thấy đúng thì dám làm, thấy sai dám đấu tranh vì lợi ích chung, đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo vệ.
Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt rằng: “Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cơ quan khác… Nếu cần thiết, phải có biện pháp xử lý cán bộ, đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung”.
Những chỉ đạo nói trên không khác gì chuyện tăng liều thuốc để trị “virus sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ công viên chức Nhà nước. Từ đó, tạo tâm lý yên tâm cống hiến, thôi thúc tinh thần cải tiến, sáng tạo của cán bộ công chức.
Theo đó, ngoài các giải pháp nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức; mạnh dạn luân chuyển, thay đổi vị trí với những người sợ, né tránh nhiệm. Thì cần phải sớm rà soát, ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực thi nhiệm vụ. Sớm thể chế hóa các quy định, chủ trương, vì nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến bị trù dập, bị oan sai.
Có thể nói, ai cũng biết sợ pháp luật là đúng, phải biết sợ thì mới làm đúng nhưng nỗi sợ ở đây đã trở thành “căn bệnh” làm cản trở động lực phát triển, cản trở sự sáng tạo, cản trở dũng khí của cán bộ dẫn đến người ta không dám làm gì thì cần phải xem lại. Không thể để tình trạng cán bộ vì sợ mà không dám làm.
Đất nước này không thể để những cán bộ được giao cho vị trí đó mà không làm gì, ngồi im, vo tròn để dẫn tới công việc của cơ quan bị đình trệ, đương nhiên những công việc chung cũng sẽ đình trệ theo.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An kiên quyết xử lý cán bộ lơ là, sợ trách nhiệm thực thi công vụ
00:30, 21/04/2023
Chấm dứt "bệnh" sợ trách nhiệm
14:57, 19/04/2023
Xử lý "bệnh" sợ trách nhiệm trong phê duyệt dự án
05:00, 14/03/2023
Bệnh “sợ trách nhiệm”
01:00, 25/09/2022