Nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ thoái vốn các công ty con của VNPT

Diễm Hương 12/02/2018 08:36

Mặc dù việc thoái vốn trong bối cảnh thị trường hiện nay không dễ dàng, nhưng trong tháng 01 vừa qua, VNPT đã thoái vốn thành công ở hai Cty CP Tin học - Viễn thông Hàng không và Công ty tài chính TNHH Một thành viên Bưu điện (PTF) cao hơn mức định giá ban đầu.

MInh họa

Tổng mức giá khởi điểm của các thương vụ này lên đến trên 1.500 tỷ đồng.

Cụ thể trong 02 tháng trở lại đây, VNPT liên tiếp thực hiện bán đấu giá cổ phần tại hàng loạt công ty như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), CTCP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam, CTCP Đầu tư xây dựng viễn thông Cần Thơ, CTCP Xây lắp Bưu điện Miền Trung; CTCP Tư vấn đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội, CTCP Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng,... Tổng mức giá khởi điểm của các thương vụ này lên đến trên 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, tháng 01/2018, Tập đoàn VNPT đã tiến hành đấu giá theo lô 6 danh mục, trong đó có 4 danh mục đấu giá nhưng chưa mang lại kết quả. Tuy nhiên, có 1 danh mục đấu giá theo lô thành công là Cty CP Tin học - Viễn thông Hàng không với mức thặng dư vốn đạt 98,75% tức là lợi nhuận gấp đôi.

Cùng với đó, VNPT cũng đã đấu giá thành công Công ty tài chính TNHH Một thành viên Bưu điện (PTF) với mức giá cao hơn mức định giá của Tập đoàn. Hiện tại, VNPT đang hoàn tất các thủ tục để trình lên Ngân hàng nhà nước, Bộ TT&TT để có hợp đồng bán lại PTF cho nhà đầu tư.

Trước đó, VNPT đã đấu giá thành công 1,32 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Tin học - Viễn thông Hàng không (AITS). Số cổ phần trên được tổ chức đấu giá theo lô, trong đó mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán. Và kết quả là, giá đấu giá cao nhất là 26,16 tỷ đồng/lô. Trước đó, giá khởi điểm được đưa ra là 26,148 tỷ đồng/lô.

AITS có địa chỉ tại Tòa nhà Airimex, số 414 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, dịch vụ thông tin. Vốn điều lệ của AITS là trên 58 tỷ đồng.

Một danh mục đấu giá thành công nữa của VNPT là Công ty tài chính TNHH Một thành viên Bưu điện (PTF) với giá cao hơn mức giá ban đầu. Hiện Tập đoàn đang hoàn tất các thủ tục để trình lên Ngân hàng nhà nước, Bộ TT&TT để có hợp đồng bán lại PTF cho nhà đầu tư. PTF là công ty tài chính thuộc 100% sở hữu của VNPT và cũng là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam với giấy phép được thành lập vào tháng 10/1998. Vốn điều lệ của công ty tài chính này hiện là 500 tỷ đồng.

Mục tiêu phấn đấu của VNPT đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 10,8%/năm. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 7,7%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tương đương với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Việc thoái vốn các công ty kể trên nằm trong kế hoạch thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành của VNPT. Đây là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VNPT từ năm 2016, tuy nhiên, việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với việc thoái vốn AITS, PTF trong tháng 1 khá thuận lợi với mức giá cao hơn dự định ban đầu được cho là một tín hiệu đáng mừng đối với VNPT trong công tác thoái vốn.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 01/2017, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã chúc mừng VNPT khi thoái vốn thành công PTF với mức giá cao hơn dự định. Thời gian tới, VNPT cần báo cáo chi tiết để trên cơ sở đó các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ TT&TT, ngân hàng nhà nước phê duyệt cho VNPT thực hiện bán PTF cho các nhà đầu tư.

Hoạt động thoái vốn đã được VNPT chuẩn bị khá kỹ. Theo lộ trình, đến cuối năm 2018, VNPT xác định giá trị doanh nghiệp và đến cuối năm 2019, VNPT sẽ tiến hành IPO (niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu) và bán 35 cổ phần cho các đối tác bên ngoài.

Diễm Hương