Hai thương hiệu “vang bóng một thời” đang “vật lộn” trên sàn chứng khoán
Hai cái tên “vang bóng một thời” niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay đang ở tình trạng kém khả quan nhất là Diêm Thống Nhất và Giày Thượng Đình.
Sau gần 4 năm "vật lộn" trên sàn chứng khoán, dù vẫn báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng thị giá Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán DTN) đã giảm 4 lần, về mức "trà đá" 3.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Từ đầu năm 2018, DTN mới khớp lệnh 2 phiên giao dịch, một trong số đó với khối lượng 71.800 đơn vị, nhưng thị giá lại giảm tới 40%.
DTN vẫn không lạc quan dù có “cứu tinh”
Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất niêm yết từ giữa năm 2014 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nhanh chóng sau đó, cổ phiếu này rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Hàng chục phiên giao dịch liên tiếp không một cổ phiếu DTN nào khớp lệnh, những phiên xuất hiện giao dịch thì giá của DTN bị giảm mạnh.
Việc gỗ - nguyên liệu chính để sản xuất diêm tăng giá liên tục cũng là tác nhân khiến biên lợi nhuận của Diêm Thống Nhất bị bào mỏng. Năm 2013, Công ty chỉ tiêu thụ được 110 triệu bao diêm, giảm 21% chỉ sau 4 năm. Con số này trong năm 2017 là khoảng 100 triệu bao. Sản phẩm cốt lõi không còn phù hợp với người tiêu dùng, Diêm Thống Nhất trong khó khăn quyết định chuyển hướng sang sản xuất thêm bật lửa. Năm 2013, bật lửa Thống Nhất lần đầu tiên góp mặt trên thị trường.
Bật lửa ra đời đã trở thành “cứu tinh” cho kết quả kinh doanh của Diêm Thống Nhất. Trong khi doanh số bán diêm liên tục sụt giảm, doanh thu của Công ty vẫn được duy trì khá ổn định. Năm 2017, Diêm Thống Nhất đạt doanh thu 116 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ so với năm 2016.
Thoát chết nhờ thay đổi, song ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất vẫn không cảm thấy lạc quan. Doanh nghiệp này đánh giá, sản phẩm diêm tiêu thụ ngày càng giảm trong khi bật lửa vẫn chưa thể chiếm thị phần cao sẽ tạo áp lực rất lớn cho tình hình kinh doanh của Công ty trong năm nay. Năm 2018, Diêm Thống Nhất cũng chỉ đặt ra kế hoạch kinh doanh tương đương năm trước.
GTD “già” từ tuổi tác đến phong cách
Còn với Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (mã chứng khoán GTD) lên sàn cuối năm 2016, với giá tham chiếu lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu. Đường đi của cổ phiếu Giày Thượng Đình cũng không khác với Diêm Thống Nhất. Hàng chục phiên liên tiếp không có thanh khoản, chỉ một vài phiên GTD được giao dịch với khối lượng rất nhỏ, và thị giá ngày càng sụt giảm. Sau 2 năm lên sàn, thị giá GTD đã mất hơn 4 lần giá trị, hiện còn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Giày Thượng Đình thậm chí còn bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của công ty. Cổ phiếu lao đao, kết quả kinh doanh của Giày Thượng Đình cũng không mấy khả quan. Năm 2017, công ty này báo lỗ 14 tỷ đồng, chủ yếu do phải trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu.
Cứu cánh hiếm hoi của thương hiệu giày này là danh mục bất động sản có giá trị, với nhiều nhà xưởng nằm trên các khu đất "vàng". Trong đó, đáng kể là khu đất rộng hơn 36.000 m2 trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với hơn 60 năm tuổi đời, giày Thượng Đình "già dặn" hơn nhiều so với các thương hiệu giày khác tại Việt Nam, cả về mặt tuổi tác lẫn phong cách. Trong khi các doanh nghiệp liên tục phải thay đổi để bắt nhịp với thời kỳ hội nhập thì giày Thượng Đình gần như giậm chân tại chỗ và ngày càng tụt hậu.
Sự già nua và chậm đổi mới của giày Thượng Đình được thể hiện rõ qua số liệu kinh doanh. Giai đoạn 2011-2015, doanh thu giày Thượng Đình chỉ trên dưới 300 tỷ đồng và đang có xu hướng đi xuống suốt từ năm 2013 đến nay.
Năm 2016, giày Thượng Đình đã cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP Giày Thượng Đình. Tuy nhiên, điều này không giúp kết quả kinh doanh của công ty được cải thiện. Kết thúc năm 2017, doanh thu giày Thượng Đình chỉ còn 203 tỷ đồng, chỉ đạt 2/3 kế hoạch đề ra.
Đáng buồn hơn cả, Giày Thượng Đình bất ngờ lỗ tới 13,6 tỷ đồng trong năm 2017. Các năm trước, dù kinh doanh đi ngang nhưng Giày Thượng Đình vẫn đều đặn lãi mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Doanh thu giảm và không đủ bù đắp các khoản chi phí là nguyên nhân chính khiến Giày Thượng Đình lâm và cảnh thua lỗ. Với kết quả kinh doanh ngày càng bết bát, Giày Thượng Đình cần những cú hích lớn để bước tiếp, nếu không muốn dần biến mất trong mắt người tiêu dùng.