Cổ phiếu đầu cơ có dấu hiệu “dậy sóng”

Theo ĐTCK 25/10/2019 14:41

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục phân hóa trong biên độ hẹp, dòng tiền đang chuyển hướng vào các mã penny mang tính đầu cơ.

f

Khi dòng tiền chọn nhóm penny thường là dấu hiệu không mấy tích cực, bởi nó cho thấy nhóm vốn hóa lớn và tầm trung không còn nhiều cơ hội.

Cổ phiếu đầu cơ vào sóng

Quan sát diễn biến giao dịch của cổ phiếu trên hai sàn niêm yết và UPCoM trong hai tuần gần đây, có thể thấy, tương quan số lượng mã tăng/giảm giá của ba nhóm có vốn hóa lớn (bluechip), trung bình (midcap) và nhỏ (smallcap) khá cân bằng, có nhóm còn nghiêng về phía giảm.

Tuy nhiên, nhìn vào các cổ phiếu đơn lẻ thì gần đây, trong nhóm midcap và smallcap, có những mã dậy sóng. Có thể kể đến như FLC, HAX, HOT, VNL (trên sàn HOSE), PGT, TTZ, MBG (trên HNX) hay BAL, SJM, CCM (trên UPCoM). Dẫu vậy, thanh khoản cao chỉ diễn ra ở một số mã như FLC hay HAX.

Các mã kể trên tăng giá mạnh, nhưng không phản ánh tính đại diện cho nhóm cổ phiếu hay thị trường chung. FLC, ROS vốn là những cổ phiếu thu hút sự chú ý của giới đầu cơ và đây cũng không phải là lần đầu tiên có sóng tăng mạnh như vậy.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) cho rằng, đối với phần lớn nhà đầu tư cẩn trọng, thật khó để xem xét cơ hội từ phía nhóm cổ phiếu thường xuyên biến động bất ngờ này.

Phân tích ở góc độ dòng tiền, ông Khoa cho rằng, thanh khoản không đủ mạnh là lý do chính chưa thể đẩy nhóm bluechip lên vùng giá cao hơn, nên tạm thời ngay cả những lúc nhóm đầu cơ dậy sóng cũng phân hóa sâu.

Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có diễn biến kém tích cực hơn hẳn so với thị trường chung từ năm 2017 đến nay, khiến định giá của nhóm này (P/E) đang ở mức dưới 10 lần, thấp hơn đáng kể so với mức xấp xỉ 16 lần của VN-Index hay mức xấp xỉ 18 lần của bình quân nhóm 50 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất ba sàn.

Với mức định giá thấp, thanh khoản không cao, các cổ phiếu trong nhóm này rất dễ trở thành đối tượng cho hoạt động đầu cơ.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực bán vẫn diễn ra chủ đạo trong các phiên gần đây, với mức độ phân hóa cao và sự sôi động giảm đi đáng kể khi đa số cổ phiếu vốn hóa lớn và tầm trung đều ghi nhận giảm điểm.

Trong khi đó, mức độ sôi động thực sự chỉ diễn ra ở các cổ phiếu nhỏ vốn không có tính đại diện cho xu hướng của dòng tiền lớn. Đặc biệt, thanh khoản của cổ phiếu ROS, FLC đã tăng gần gấp đôi thời điểm một tháng trước và gấp 3 lần thanh khoản trung bình 3 tháng trước.

Thanh khoản của cổ phiếu ROS chiếm tới 20% thanh khoản của sàn HOSE trong phiên giao dịch 21/10, còn thanh khoản của cổ phiếu FLC cũng ở tỷ lệ tương tự trong phiên 22/10, trong khi thanh khoản chung của thị trường không có nhiều thay đổi. Điều này cho thấy dòng tiền thực tế vận động ở nhiều cổ phiếu khác ngày một thu hẹp.

“Khi dòng tiền chọn nhóm penny thường là dấu hiệu không mấy tích cực, bởi nó cho thấy nhóm vốn hóa lớn và tầm trung không còn nhiều cơ hội. Rủi ro của nhóm penny luôn ở mức cao và việc "đãi cát tìm vàng" thường mang lại nguy cơ thua lỗ hơn là thắng lợi cho các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ.

Trên các diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng được nhắc đến rất nhiều và không ít nhà đầu tư ngậm ngùi vì cổ phiếu đột ngột quay hướng khi mới ở T+1. Phiên giao dịch ngày 23/10, các mã ROS, FLC, HAX… đồng loạt “đỏ lửa”, VNL thậm chí giảm sàn với thanh khoản rất thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai kịch bản thị trường chứng khoán

    Hai kịch bản thị trường chứng khoán

    11:01, 18/10/2019

  • Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan”

    Chứng khoán phái sinh: “Tiến thoái lưỡng nan”

    10:49, 14/10/2019

  • Chứng khoán ngắn hạn: Cẩn trọng với mốc 980 điểm

    Chứng khoán ngắn hạn: Cẩn trọng với mốc 980 điểm

    11:00, 11/10/2019

  • Chứng khoán phái sinh: Vất vả tại ngưỡng kháng cự

    Chứng khoán phái sinh: Vất vả tại ngưỡng kháng cự

    10:44, 07/10/2019

  • Chứng khoán quý IV chờ cú bứt phá

    Chứng khoán quý IV chờ cú bứt phá

    11:01, 03/10/2019

  • Chứng khoán quý IV: Kỳ vọng “đổi màu”

    Chứng khoán quý IV: Kỳ vọng “đổi màu”

    10:13, 26/09/2019

Anh Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại TP.HCM cho rằng, nhóm đầu cơ thời gian này thu hút được dòng tiền nhờ thị giá thấp, giảm giá nhiều năm, đặc biệt là các cổ phiếu có tiền sử “in giấy” nhiều.

Với nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư vốn không còn quan tâm tới các yếu tố cơ bản, mà chỉ đầu cơ ngắn hạn thuần túy kiếm tiền nhanh.

Do vậy, trong ngắn hạn, các cổ phiếu thuộc nhóm trên vẫn duy trì được sự quan tâm của công chúng và có cơ hội kiếm lời, song rủi ro khi thị trường đảo chiều cũng rất lớn.

Nhà đầu tư cần lưu ý, các cổ phiếu này thường chạy theo sóng nhóm, giai đoạn ngắn này vài mã tăng mạnh rồi dòng tiền đầu cơ sẽ rút nhanh sang cổ phiếu khác.

“Cá nhân tôi không ưa thích các cổ phiếu này. Đây là nguyên tắc đầu tư, chứ không phải là không thể kiếm tiền trên các cổ phiếu đó”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường

Dòng tiền lớn vẫn đang quan sát khi thanh khoản chung của thị trường hiện đang duy trì ở mức thấp. Việc tìm đến cổ phiếu vốn hóa trung bình có tiềm năng riêng, “đánh sóng” ngắn hạn dường như đang là chiến lược ưu tiên của dòng tiền đầu cơ giai đoạn này.

Thỏa thuận thương mại mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không được giới phân tích đánh giá cao, do đó, khó có thể là động lực giúp thị trường bật tăng.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền lớn đang chờ được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư vẫn dành quan tâm đến kênh cổ phiếu. Triển vọng kinh tế vĩ mô là động lực để chờ đợi việc giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mạnh hơn ở giai đoạn cuối năm.

Có thể thấy, thời gian qua, dòng tiền tập trung mạnh vào những nhóm cổ phiếu hưởng lợi chính sách.

Ở giai đoạn nửa đầu năm, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, điện, dệt may... tăng giá cũng từ thông tin tích cực.

Và thời điểm này, theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), là các cổ phiếu ngành tài chính, bao gồm cả các mã ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, đặc biệt là các cổ phiếu đang có mức định giá tương đối hấp dẫn và được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Thực tế, việc VN-Index đi ngang quá lâu so với kỳ vọng đã tạo nên tâm lý thận trọng tương đối cho số đông nhà đầu tư. Dù rằng, lâu nay nhiều nhà đầu tư vẫn quan niệm chọn cổ phiếu chứ không chọn đầu tư theo chỉ số.

Tâm lý thận trọng này sẽ được “gỡ bỏ” khi tín hiệu xác nhận VN-Index vượt vùng kháng cự 1.000 điểm thành công và khi đó, tâm điểm đầu tư sẽ là các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý cuối cùng của năm 2019 như các mã đầu ngành nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, năng lượng, tiêu dùng.

VN-Index tăng, giảm không phải là nhân tố trực tiếp làm tăng, giảm giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư, mà chính là thị giá riêng lẻ từng cổ phiếu nắm giữ.

Do vậy, nhà đầu tư không cần quá quan tâm đến câu chuyện chỉ số, mà cần tập trung hơn vào lựa chọn cổ phiếu cơ bản tốt, có dư địa tăng giá và trạng thái kỹ thuật phù hợp.

Chiến lược đầu tư chưa bao giờ “lỗi mốt” là tích lũy dần các cổ phiếu tốt bị định giá thấp do thị trường chung xấu để có lợi nhuận tốt trong tương lai.       

Theo ĐTCK