Năm Tân Sửu, ngành nào thực sự hưởng lợi?
Dù vẫn còn khó khăn do COVID-19 và yếu tố lây lan tại khu vực có khu công nghiệp, song doanh nghiệp các ngành xuất khẩu vẫn được đánh giá là điểm sáng tích cực và hưởng lợi lớn năm nay...
Năm Tân Sửu 2021, bối cảnh vĩ mô hiện tại được cho là rất thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy cho thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ có một năm thăng hoa với những ngành hàng cụ thể.
Nhiều lực đẩy cho xuất khẩu
Yếu tố tác động trực tiếp và đầu tiên phải kể đến đó chính là mặt bằng lãi suất ở mức rất thấp, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Chu kỳ tiền rẻ được dự báo sẽ tiếp diễn hết 2021 sang đầu 2022, kéo theo đó các tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ thu hút thêm nhiều dòng tiền để thiết lập các đỉnh cao mới.
Bên cạnh đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi. Chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% trong 2021, trên cơ sở hiệu quả từ các biện pháp dập dịch quyết liệt trong cả năm 2020 đã giúp Việt Nam hiện đang là một trong số rất ít các quốc gia, những “thành trì cuối cùng” giữ được nền tiêu dùng và sản xuất còn tương đối nguyên vẹn. Tăng trưởng GDP sẽ đến từ hai yếu tố, đó là nền kinh tế mở, với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội có lợi thế cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu.
Trên các thông tin nền, nhà đầu tư có thể tìm ra các cổ phiếu, các doanh nghiệp xứng đáng để đầu tư theo các yếu tố trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng GDP, hình thành chiến lược đầu tư 2021 với các trọng tâm chính. Xuất khẩu là một trong những lĩnh vực trọng tâm có nhiều ngành hưởng lợi đó.
Gạo, Gỗ, Thủy sản… - Những điểm sáng
Với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mạnh được hưởng lợi trực tiếp từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, chúng ta có thể kể đến nhóm ngành đang có tăng trưởng xuất khẩu rất ấn tượng gần đây bất chấp đại dịch như ngành Gỗ, ngành Gạo, ngành Thuỷ sản …
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2020 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng năm 2020 đạt 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 1 tỷ USD mỗi tháng và tăng so với cùng kỳ bất chấp dịch Covid-19, trước đó, xuất khẩu gỗ tháng 7 ghi nhận giá trị đạt 1,128 tỉ USD, tháng 8 đạt 1,149 tỷ USD, tháng 9 đạt 1,15 tỷ USD và tháng 10 đạt trị giá 1,28 tỷ USD. Cập nhật đến cuối 2020, ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã hoàn tất mục tiêu 12,5 tỷ USD.
Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với kế hoạch từ 14 - 14,5 tỷ USD, và đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025, đưa ngành phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đầu ngành gỗ xuất khẩu có thể kể đến CTCP Phú Tài (HoSE: PTB), CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT), CTCP Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (UpCOM: NHT, … đều đang có những tín hiệu tăng trưởng hết sức tích cực.
Thông tin tốt lành đầu năm là đến tháng 1/202, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn một mùa triển vọng mới cho ngành này trong năm nay.
Với gạo, đến cuối tháng 12/2020, xuất khẩu gạo nước ta đạt gần 6,2 triệu tấn, mang về hơn 3 tỷ USD, tăng khoảng 9% về giá trị so với năm 2019. Tại Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa tươi OM 5982, OM 6976, IR 50404 … dao động từ 6.800 - 7.000. Giá chào gạo 5% tấm mức 495 – 500 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo. Hiệp định thương mại tự do đang tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam, đặc biệt riêng với Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu - một trong những thị trường khó tính nhất, lần đầu tiên tăng 177%.
Ngành Gạo có những cái tên rất sáng như: CTCP Tập đoàn Lộc Trời (HoSE: LTG), CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM), CTCP Tập đoàn Giống Cây trồng VN (HoSE: NSC), CTCP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), … là những doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lúa gạo đủ nguồn lực để tận dụng thị trường xuất khẩu nhiềm tiềm năng EU với hiệp định EVFTA có hiệu lực gần đây.
Về xuất khẩu thuỷ sản, tổng sản lượng năm 2020 ước đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% so với 2019, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, ngành Thủy sản hướng tới đạt mục xuất khẩu năm 2021 là 8,6 tỷ USD.
Nhóm ngành này vẫn là những cái tên rất quen thuộc đã nhiều năm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), CTCP Nam Việt (HoSE: ANV), CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), CTCP Camimex Group (HoSE: CMX), … mỗi doanh nghiệp lại có lợi thế cạnh tranh riêng, thị trường thế mạnh riêng.
Trong tổng hoà tăng trưởng của ngành, sẽ vẫn có những doanh nghiệp thực sự đột phá, và cơ hội của nhà đầu tư là nghiên cứu các kế hoạch kinh doanh mà ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra, cùng với tính khả thi của từng bản kế hoạch đó.
Bên cạnh đó, cần lưu ý dù các nhóm ngành triển vọng tới đâu, cũng có mặt rủi ro nhất định. Với xuất khẩu, rủi ro 2021 có thể là việc phải chờ phán quyết của Bộ Tài chính về việc Việt Nam có thực sự thao túng tiền tệ hay không, từ đó có hay không việc áp các án phạt qua thuế suất. Rủi ro ấy nay đã tạm thời loại trừ với kết quả cuộc họp không đưa ra kết luận trừng phạt Việt Nam. Cùng với đó, những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Joe Biden sẽ không bao gồm câu chuyện thao túng tiền tệ của Việt Nam, hứa hẹn những “cửa rộng” cho xuất khẩu Việt. Sự hồi phục kinh tế với chiến lược bơm tiền không giới hạn nhằm thúc đẩy lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp, kiểm soát COVID-19 ở thị trường nhập và tiêu dùng lớn nhất của thế giới và Việt Nam, cũng là yếu tố thuận lợi cho các ngành xuất khẩu được xem là thiết yếu năm nay.
Có thể bạn quan tâm