VN-Index lao dốc mất hơn 45 điểm, vì đâu?
Đứng trước áp lực chốt lời mạnh từ phía nhà đầu tư, thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tuần đã ngập trong "sắc đỏ", hàng loạt mã vốn hóa lớn đều lao dốc.
Thị trường phiên giao dịch cuối tuần đã nghiêng hoàn toàn về sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/8, VN-Index giảm 45,42 điểm xuống 1.329,43 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 302 mã giảm và 31 mã đứng giá. HNX-Index giảm 8,01 điểm xuống 228,06 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 170 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,01 điểm xuống 91,7 điểm. Nhóm VN30 có 30/30 mã đều giảm điểm, chỉ số VN30 Index sụt giảm mạnh 54,56 điểm xuống 1.450,45 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên trước đó và đạt mức kỷ lục với giá trị khớp lệnh đạt 46.263 tỷ đồng, tăng 66,7% so với phiên trước và vượt qua phiên 4/6 với 36.121 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh lập kỷ lục ở cả 3 sàn giao dịch, trong đó, HoSE là 36.807 tỷ đồng (tăng 68%), HNX là 6.337 tỷ đồng, UPCoM-Index đạt 3.119 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 760 tỷ đồng trên HoSE trong khi mua ròng ở 2 sàn HNX và UPCoM.
Nhóm ngân hàng được xem là nhân tố chính kéo thị trường trong phiên hôm nay. Riêng nhóm này đã lấy đi 17,4 điểm của VN-Index. Một số mã giảm mạnh có thể kể đến như ACB (-4,8%), BID (-4,7%), CTG (-4,7%), STB (-5,5%)… Bên cạnh đó, sắc đỏ cũng chiếm lĩnh hầu hết các nhóm ngành khác như bất động sản có VIC (-6,3%), GVR (6,3%)…
Nguyên nhân chính của đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong phiên hôm nay theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK KB Securities Việt Nam có 3 yếu tố chính. Thứ nhất, trong phiên hôm qua (19/8), phiên đáo hạn phái sinh của tháng 8 thị trường đã có nhịp tăng rất mạnh vào thời điểm ATC nhờ lực kéo đến từ cổ phiếu trụ cột là VIC. Sang phiên hôm nay 20/8, khi cổ phiếu VIC giảm mạnh ngay từ đầu phiên đã tạo áp lực mạnh lên diễn biến của thị trường.
Thứ hai, thị trường còn chịu một số thông tin tiêu cực liên quan việc TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm các biện pháp giãn cách quyết liệt hơn, thắt chặt lệnh cách ly xã hội để kiểm soát dịch COVID-19. Cùng với đó, tại TP. Hà Nội, là việc kéo dài Chỉ thị 16 đến đầu tháng 9.
Thứ ba, kết hợp áp lực bán ở vùng giá cao sau những nhịp tăng dài tương đối lớn và thông tin kỳ vọng kết quả kinh doanh khá ảm đạm của một số doanh nghiệp có vốn hóa lớn do tác động của dịch COVID-19. Tổng hợp những yếu tố như vậy, đã khiến cho phiên giao dịch ngày 20/8 lao dốc mạnh như vậy.
Về dự báo diễn biến thị trường tuần sau, ông Trần Đức Anh cho rằng thị trường sẽ khó giảm sâu hơn: "Theo dõi diễn biến thị trường trong phiên 20/8 có thể thấy thanh khoản thị trường lên cao kỷ lục và thị trường đã có hồi phục về cuối phiên cho thấy xu hướng dòng tiền bắt đáy còn dồi dào trên thị trường, đang tìm kiếm cơ hội. Có thể thấy lo ngại thị trường giảm sâu khó xảy ra, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất là tình hình nội tại của các doanh nghiệp thì với diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Do đó, dù cho không kỳ vọng thị trường giảm sâu nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan về sự hồi phục của thị trường vào tuần sau, sau nhịp điều chỉnh sâu".
Có thể bạn quan tâm
Tái diễn làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc
14:00, 19/08/2021
Hải Phát Invest bao giờ hết khó?
05:00, 19/08/2021
Hiệu ứng VHM lên VN-Index chỉ trong ngắn hạn
11:00, 18/08/2021
VN-Index điều chỉnh, cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu danh mục
04:50, 18/08/2021