Những nút thắt chưa tháo gỡ của thị trường gọi món trực tuyến

Nguyễn Long 26/01/2019 04:57

Thị trường gọi món trực tuyến đang bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên hình thức thanh toán và tốc độ giao hàng đang làm điểm yếu của các doanh nghiệp.

GrabFood đang đẩy mạnh thị phần với việc mở dịch vụ tại 15 tỉnh thành trên cả nước

GrabFood đang đẩy mạnh thị phần với việc mở dịch vụ tại 15 tỉnh thành trên cả nước

Thị trường cạnh tranh

Báo cáo của Euromonitor cho thấy độ lớn thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Con số dự báo tăng trưởng trên đã cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường gọi món trực tuyến Việt Nam, đặc biệt với dân số trẻ thuộc giai đoạn Y thích nghi nhanh và luôn đón nhận xu hướng mới.

Chính bởi vậy hàng loạt các kỳ lân ngoại đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến với những cái tên như Grab, Go – Jek, Now. Với một doanh nghiệp họ đều tận dụng lợi thế vốn có của mình để cạnh tranh trong thị trường giao thức ăn đầy tiềm năng.

Và để chiếm lĩnh thị trường, GrabFood có thế mạnh về độ phủ trên thị trường khi đội ngũ giao hàng đông đảo với hàng nghìn tài xế GrabBike, phủ rộng trên 15 tỉnh thành trên cả nước.

Đây được xem là thế mạnh của Grab để đọ lái với Now bởi nếu như Now đang chiếm lĩnh tâm trí người dùng trong những năm qua với độ phủ sóng 14 tỉnh thành cả nước, thì chỉ sau 7 tháng chính thức ra mắt, GrabFood vươn lên như một hiện tượng, phủ sóng 15 tỉnh thành. Số lượng đơn hàng cũng tăng gấp 30 lần kể từ khi ra chính thức được triển khai tại Việt Nam.

Còn đối thủ Go Viet cũng đầy tự tin sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi đặt mục tiêu hợp tác với hàng chục nghìn đối tác trên toàn quốc, từ tiệm ăn bình dân, hàng ăn nhanh cho đến các nhà hàng sang trọng. "Giao thức ăn và ví điện tử là hai mảng triển vọng mang lại lợi nhuận", CEO GO Viet - Nguyễn Vũ Đức từng chia sẻ vài tháng sau khi nghênh chiến với Grab.

Mặc dù là kẻ đến sau nhưng rõ ràng có thể màu áo xanh và đỏ của Grab và Go Viet đang phổ biến trên mọi nẻo đường, trong khi trước đó thị trường ở Việt Nam lại chủ yếu của Delivery Now. Hiện Delivery Now của Foody, Vietnammm, Lala là những dịch vụ giao đồ ăn đã được nhiều khách hàng biết đến. Xét về thực đơn, Delivery Now hiện phong phú hơn Grab, Go Viet khi sở hữu mạng lưới đối tác dày đặc, từ quán vỉa hè đến nhà hàng lớn. Đơn vị này cũng đều đặn tung khuyến mại nhiều món ăn mỗi ngày. Đồng thời, thị trường này mới đây cũng đón thêm các tân binh cũng giàu tham vọng như Lalamove.

Thị trường hiện lại càng sôi động khi một đối thủ ngoại khác đến từ Hàn Quốc là Baedal Minjok của Woona Brothers, một công ty về vận chuyển đồ ăn được đánh giá là kỳ lân của Hàn Quốc đang nhăm nhe đặt chân vào Việt Nam.

"Chúng tôi đã tìm hiểu thị trường này và đang tìm đối tác. Chúng tôi sẽ có mặt ở Việt Nam trong năm 2019", Seyoon Oh, phó chủ tịch Woona Brothers cho biết. Chia sẻ trên trang Korea Tech Desk, Woowa Brothers thậm chí cho biết rõ kế hoạch ra mắt ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam vào nửa đầu năm 2019.

Công ty này vừa gia nhập nhóm kỳ lân thế giới khi nhận được khoản đầu tư đảm bảo trị giá 320 triệu USD vào tháng 12 năm 2018 đưa mức định giá của công ty lên hơn 1 tỷ USD.

Nút thắt chưa gỡ bỏ

Thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp đang tham gia thị trường đặt đồ ăn trực tuyến đó chính là tốc độ giao hàng và hàng hóa được đảm bảo. Tốc độ giao hàng hiện nay trung bình từ phía người dùng là từ 30-40 phút, như vậy là chưa thể đảm bảo thời gian khoảng 25 phút như định hướng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cách vận hàng còn khá nặng về thủ công như hiện nay khiến Now gặp nhiều khó khăn trong xử lý đơn hàng và tốc độ giao hàng còn vượt xa mục tiêu “Đặt đồ ăn, giao từ 25 phút” mà thương hiệu này đã tuyên bố trước đó.

Tương tự, Mr Jerry Lim – CEO Grab Việt Nam từng tuyên bố rằng tốc độ giao nhận 1 đơn hàng của GrabFood sẽ khoảng 25 phút, đồng thời mục tiêu hướng đến là 20 phút trong tương lai.

Để cải thiện tốc độ, bắt buộc các doanh nghiệp giao đồ ăn phải có sự kết nối với nhà hàng, quán ăn, tạo thành chuỗi khép kín. Hiện tại, nhiều món ăn trong danh mục của dịch vụ không hợp tác trực tiếp với đơn vị chế biến. Tài xế chỉ đơn giản đến mua hàng hộ theo yêu cầu của người dùng và phải chi trả tiền trước chứ không dùng phần mềm quản lý bán hàng. Do đó, các tài xế sẽ mất thời gian chờ đợi chế biến món cũng như chấp nhận rủi ro khách hàng hủy đơn.

Trên thế giới, theo kết quả nghiên cứu thị trường của IBISWorld, thị trường đặt hàng thực phẩm trực tuyến ước tính có giá trị 13 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh doanh giao nhận thực phẩm tươi sống, trong đó có đồ ăn, hiện có biên độ lợi nhuận thấp do yêu cầu cao về các khâu bảo quản, giao hàng tận tay người dùng.

Đây cũng là yếu tố mà nhiều ứng dụng chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để đảm bảo chất lượng thực phẩm, doanh nghiệp vừa phải tổ chức được một nhóm nhân viên lớn để đảm bảo độ bao phủ trên thị trường lại vừa được đào tạo chuyên giao nhận các món ăn là điều vô cùng tốn kém. Bởi không thể sử dụng đội ngũ giao nhận các mặt hàng như quần áo, túi xách hay phụ kiện điện thoại.

Nguyễn Long