Hai “ông lớn” cao tốc vốn nhà nước chính thức “về một nhà”
Tổng công ty Đầu tư phát triển (ĐTPT) và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) chính thức sáp nhập vào Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Ngày 30/3, Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) chính thức sáp nhập vào Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đây là 2 doanh nghiệp từng được mệnh danh là “ông trùm” cao tốc khi được trao quyền quản lý, khai thác nhiều tuyến cao tốc.
Sau khi sáp nhập, Tổng công ty CIPM vào Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục sáp nhập đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành, đảm bảo hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Qua đó, đảm bảo duy trì hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam ổn định và phát triển. Hợp đồng sáp nhập có hiệu lực từ khi có đầy đủ chữ ký của các Bên cho đến khi các Bên hoàn tất mọi quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng này.
Được biết, ngày 08/3/2021, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký ban hành Quyết định số: 62/QĐ-UBQLV về việc sáp nhập Tổng công ty đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) vào Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Theo đó, thời gian hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021.
Mặc dù cả hai tổng công ty được thành lập với cùng một mục tiêu là trở thành các doanh nghiệp nòng cốt của ngành giao thông vận tải về đầu tư, xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, cả VEC và CIPM đều gặp khó khăn về nguồn vốn - không đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
CIPM Cửu Long được thành lập vào năm 2011 với mô hình sáp nhập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ và lấy 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ làm công ty thành viên.
Ngoài 2 đơn vị thành viên nói trên, CIPM Cửu Long còn góp 10% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long, doanh nghiệp dự án đại diện các nhà đầu tư quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 theo hình thức hợp đồng BT.
Việc thành lập CIPM Cửu Long cũng như VEC được Bộ GTVT kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc. Số vốn điều lệ của CIPM Cửu Long là 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 7 năm thành lập, hoạt động của CIPM Cửu Long không được như kỳ vọng, đáng chú ý, vốn điều lệ chưa được cấp đủ (thực tế vốn điều lệ được cấp đến nay là 136/1.500 tỷ đồng (đạt khoảng 9%); chưa tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại.
Do vậy, cần thiết thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận để tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm về quản lý dự án, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được Bộ GTVT giao.
Có thể dễ dàng nhận thấy "lời hứa" vốn chủ sở hữu là 1.500 tỷ đồng của CIPM trong nhiều qua đã không thành hiện thực. Doanh nghiệp này chỉ được cấp 147 tỷ đồng, một con số quá nhỏ khi đơn vị đang nắm giữ nhiều dự án cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngay cả khi cấp đủ 1.500 tỷ đồng thì số vốn trên cũng không đủ mức vốn đối ứng tại 1 dự án nghìn tỷ mà CIPM Cửu Long đang quản lý. Điều đó lý giải vì sao vai trò "ông chủ" - chủ đầu tư của CIPM Cửu Long ngày càng mờ nhạt mà thay vào đó chỉ là quản lý và tư vấn quản lý dự án. Vì thế, việc xoá sổ CIPM Cửu Long được coi là tất yếu.
Mặt khác, do sau khi thành lập lại Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phần giá trị tài sản và nhân sự xác định lại của CIPM không còn đủ điều kiện, chỉ tiêu xếp hạng của một tổng công ty nên cần thiết chuyển giao phần giá trị tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của CIPM về VEC (là một đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, nay thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với CIPM) để tăng năng lực cho VEC, góp phần vào việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch của ngành GTVT.
Trên cơ sở thực tiễn của cả hai doanh nghiệp và các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức lại CIPM và phương án đã được sự ủng hộ của các bộ, ngành. Tại Văn bản số 9041/VPCP-ĐMDN ngày 20-9-2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất về chủ trương phương án tổ chức lại CIPM theo hướng sáp nhập CIPM vào VEC; đồng thời thành lập Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một phần nhân sự và tài sản từ CIPM.
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc nghìn tỷ hư hỏng: Cựu Phó tổng giám đốc VEC không nhận trách nhiệm
17:04, 04/03/2021
Vì sao VEC chưa triển khai thu phí không dừng tại 4 tuyến cao tốc?
03:05, 03/12/2020
Tại sao 4 tuyến cao tốc của VEC chưa lắp đặt và hoàn thiện thu phí không dừng?
00:00, 03/12/2020
Khởi tố, bắt tạm giam Phó tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng
22:50, 09/10/2020