Lai Châu: Cam kết cùng doanh nghiệp hợp tác phát triển
Được ví von như một viên ngọc xanh nơi ven trời Tây Bắc, Lai Châu sở hữu những tiềm năng, thế mạnh có giá trị về mọi mặt và đang trở thành điểm đến thu hút của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sáng nay (04/12), Tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19”. Hội nghị với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương, VCCI, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn...
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đồng thời cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung...
Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất hàng ngành nông nghiệp đến năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2004-2020 đạt trên 22%; Lai Châu đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung đối với một số hàng hóa chủ lực như Chè (trên 8.500 ha), Mắc ca (trên 5.600 ha), cây ăn quả (trên 8.200 ha); Cao su (gần 13.000 ha)... Những kết quả này cho thấy đây là hướng đi đúng, nhiều triển vọng đưa Lai Châu phát triển.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, trong những năm vừa qua, tỉnh Lai Châu đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài hơn 515 km; tuyến đường cao tốc nối Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu đã được xây dựng. Đặc biệt, theo kế hoạch dự án xây hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên dự kiến được khởi công trong năm 2022 sẽ tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
“Tỉnh Lai Châu đã và đang xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đội ngũ lãnh đạo các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn cửa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh trân trọng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn được tiếp nhận, chuyển giao các dự án sản xuất, chế biến ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tăng giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển, góp phần phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19”, Bí thư Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh.
Nhằm thúc đẩy phát triển thế mạnh của tỉnh, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 trên 1.000 tỷ đồng. Thành lập các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp như: Hiệp hội Nông sản, Hiệp hội Sâm Lai Châu tạo cơ hội để các thành viên hỗ trợ, kết nối cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan nhận định, nông nghiệp là ngành thiết yếu, hơn bao giờ hết Hội nghị XTĐT nông nghiệp tại Lai châu là cách thức để kích hoạt nông nghiệp, nông thôn, nông dân và hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh.
Tiếp giáp với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lai Châu có 8 đơn vị hành chính với dân số trên 470.000 người, trong đó có 20 dân tộc anh em với những nét văn hóa đặc sắc riêng. Mảnh đất này có 265,165 km đường biên giới, có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng và nhiều lối mở kết nối với thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Không chỉ có vậy, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phong phú, địa hình đa dạng và có diện tích đất nông, lâm nghiệp khoảng 635.000ha, chiếm đến gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để Lai Châu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh nông, lâm, thủy sản.
Để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Lai Châu, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, phát triển nông thôn và OCOP của tỉnh. Đồng thời, tạo ra diễn đàn mở để các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triến.
Hội nghị XTĐT không chỉ dừng lại ở bao nhiêu biên bản hợp tác, bao nhiêu tỷ đầu tư mà đồng thời dẫn dắt người nông dân, làm sao cùng nông dân liên kết, hợp tác cùng phát triển. Bức tranh sẽ tròn trịa hơn nếu các dự án đầu tư mạng lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đúng nghĩa “nông nghiệp là sinh mạng”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Lai Châu sẽ có những chính sách hỗ trợ, kết nối, thu hút sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương, của đồng bào dân tộc thiểu số. Các doanh nghiệp đến với Lai Châu hãy bắt đầu một hành trình kết nối trái tim, chúng ta sẽ nhận lại những điều vô giá ngoài lợi nhuận kinh doanh. Doanh nghiệp đến với mảnh đất Lai Châu và con người Lai Châu sẽ cùng nhau xây dựng được một chuỗi giá trị.
“Để Lai Châu là điểm đến hứa hẹn của ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, tỉnh cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực cộng đồng, nguồn lực quan trọng của chính quyền địa phương. Để kích hoạt Lai Châu phát triển ở tầm cao mới thì chúng ta sẽ không loay hoay ở mấy chữ xóa đói giảm nghèo và chúng ta sẽ không đi một mình mà đi cùng nhau, cùng các địa phương lân cận và cùng cộng đồng doanh nghiệp song hành, mở rộng nguồn lực, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản; mạng lưới sông suối dày đặc, dòng chảy lớn, độ dốc cao, nhiều khu vực có gió đặc trưng của tiểu vùng khí hậu; các vùng đất trống với lượng bức xạ mặt trời cao thuận lợi để phát triển thủy điện, điện gió, điện mặt trời... Đây cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hấp dẫn các nhà đầu tư tại Lai Châu.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc, khu vực vốn khá lặng lẽ trong bản đồ đầu tư của cả nước nhưng lại đang chuyển biến rất mạnh mẽ về môi trường đầu tư và kinh doanh. Đây là một tỉnh có nhiều tiềm năng và Lai Châu đang rất nỗ lực với quyết tâm cao trong việc cải thiện PCI. Trong đó, tỉnh Lai Châu đã đề cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp, coi các Hiệp hội doanh nghiệp là đối tác quan trọng của các cấp, chính quyền... Chính năng lực điều hành kinh tế, mức độ cải cách hành chính và sự hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư của chính quyền cấp tỉnh đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động thu hút đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, thông qua Hội nghị XTĐT vào lĩnh vực nông nghiệp hôm nay là cơ hội để Lai Châu tạo lập hình ảnh, thu hút các nhà đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Chúng tôi tin rằng, Lai Châu có thể không phải là tỉnh đi sớm nhưng có thể về đích sớm, VCCI sẵn sàng đồng hành cùng Lai Châu trong quá trình này.
Được biết, với mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế – xã hội đạt mức trung bình của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã xác định tập trung bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. Theo đó, địa phương này định hướng phát triển hai vùng kinh tế động lực đó là từ quốc lộ đấu nối cao tốc Nội Bài Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng và vùng kinh tế sông thái sông Đà.
Tại Hội nghị sáng 04/12, các nhà đầu tư chiến lược vào nông nghiệp nông thôn đã có những phát biểu, chia sẻ sau khi tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại Lai Châu. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về các ngành, lĩnh vực, thị trường của tỉnh Lai Châu, vừa đề xuất những mong muốn của mình với lãnh đạo tỉnh như lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm giới thiệu về đất đai, khoáng sản, vùng nguyên liệu…
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao cho biết, chúng tôi nhận thấy, tại các huyện Tân uyên, Than Uyên, Sìn hồ... có đủ điều kiện để phát triển các loại cây trồng như chanh leo, rau chân vịt... Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để mở rộng đầu tư những sản phẩm nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Thông điệp của chúng tôi là tạo ra chuỗi giá trị, trong đó xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người nông dân địa phương và cùng tạo ra sản phất chất lượng, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững.
“Tôi đã tham dự nhiều Hội nghị XTĐT nhưng với ngành nông nghiệp đây là một trong số ít địa phương triển khai. Sự kiện này nguồn động viên đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tin rằng, sự thành công của hội nghị là bước đầu, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, sự đồng lòng của nhân dân và sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT sẽ từng bước đưa nông nghiệp phát triển và Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trong đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lại gần”, ông Khuê nhấn mạnh.
Theo ông David John, Chủ tịch Tập đoàn MAVIN, chúng tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Lai Châu, đặc biệt là ở huyện Than Uyên nơi chúng tôi đã đi khảo sát hai khu vực có diện tích khoảng 300ha. Chúng tôi muốn phát triển thành khu liên hợp chăn nuôi lợn và tổ hợp thức ăn chăn nuôi. Đây là một trang trại chăn nuôi để chúng tôi có thể cung cấp lợn không chỉ cho cộng đồng địa phương quang vùng Tây Bắc Việt Nam mà còn xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã khảo sát hồ chứa Huổi Quảng để thiết lập một số dự án nuôi cá và chế biến một số loài khác ở đây. Chúng tôi nhận thấy 2 dự án này có tiềm năng lớn để phát triển hoạt động kinh doanh tại phía Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại Lai Châu.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostBank, cố vấn Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Việt, trong những năm qua đầu tư tại Lai Châu, Tập đoàn đã ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm cây mắc ca với người nông dân địa phương, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người dân vùng sâu, vùng xa. Đến nay, Tập đoàn đã đầu tư 12.000ha mắc ca trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng và lâu dài tại mảnh đất này, dự kiến từ nay đến năm 2030, Tập đoàn Liên Việt sẽ đầu tư vào Lai Châu trên 300 triệu USD.
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu xác định tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nhiều chính sách được ban hành để thu hút đầu tư, tập trung các ngành hàng ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: trồng, chế biến mắc ca, rau, hoa, củ quả, chè. Đặc biệt là chè cổ thụ, lúa hàng hóa đặc sản chất lượng, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá nước lạnh và thủy sản lòng hồ; phát triển kinh tế dưới tán rừng như nuôi ong, trồng dược liệu, nhất là sâm Lai Châu...
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho biết, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, nhất là các chương trình trọng điểm, các cơ quan ban ngành đã lên danh mục gồm 116 dự án để gửi tới các nhà đầu tư quan tâm, xem xét như: Các dự án nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn để tạo ra các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc sản gắn với chuỗi giá trị; các dự án nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch lòng hồ thủy điện và du lịch bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc; các dự án công nghiệp chế biến sâu về nông - lâm nghiệp và đặc biệt là các dự án có liên quan đến thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu.
“Tỉnh Lai Châu luôn song hành, hỗ trợ, lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững. Tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh; tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là các thủ tục nội bộ để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp... Trong quá trình các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát tại tỉnh, nếu có khó khăn, vướng mắc tỉnh sẽ chỉ đạo và trực tiếp giải quyết. Tỉnh Lai Châu cũng đã có một loạt các chính sách để khẳng định sự đồng hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Lai Châu. Với phương châm “hợp tác cùng phát triển”, chúng tôi luôn trân trọng và chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đến đầu tư tại Lai Châu. Sự thành công, thịnh vượng của quý vị chính là mong muốn của chúng tôi và cũng là thành quả phát triển chung của tỉnh. Tỉnh Lai Châu sẽ thể hiện không chỉ là lời nói, là cam kết tại Hội nghị mà sẽ bằng hành động, thực tế để đón chào, khởi đầu và đồng hành cùng các doanh nghiệp”, Chủ tịch Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị XTĐT sáng 04/12, tỉnh Lai Châu đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư và ký kết 17 biên bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các dự án đã ký kết được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho Lai Châu phát triển toàn diện trong giai đoạn tới. Ngoài ra, tại hội nghị các hiệp hội cũng đã ký kết các biên bản hợp tác, chuyển giao quan trọng để cùng phát triển; tỉnh Lai Châu và Bộ NN&PTNT ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2026. |
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội để "đánh thức" nông nghiệp Lai Châu
16:06, 30/11/2021
Lai Châu: Sẵn sàng chinh phục các nhà đầu tư bằng sự chuyên nghiệp và hiếu khách
20:53, 15/11/2021
Lai Châu: Đề xuất xem xét, điều chỉnh kế hoạch phát triển cây mắc ca
21:13, 12/11/2021
Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản
14:07, 30/11/2021
Bình Dương tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Ý
15:17, 27/11/2021
Bình Phước: Xúc tiến đầu tư ngay trong đại dịch
15:23, 26/11/2021
Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Đài Loan
17:30, 19/11/2021