Thu hẹp dần sở hữu chéo

Theo Thoibaonganhang 18/02/2019 10:01

Từ năm 2021, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của TCTD khác.

Trong năm qua, Vietcombank đã thoái vốn thành công tại nhiều TCTD

Trong năm qua, Vietcombank đã thoái vốn thành công tại nhiều TCTD

Tích cực trong chính sách

Từ ngày 1/3/2019, Thông tư số 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm một hình thức sở hữu chéo bị điểm danh

    Thêm một hình thức sở hữu chéo bị điểm danh

    15:25, 07/01/2019

  • Sở hữu chéo ngân hàng: Đã xử lý nhưng chưa dứt điểm

    Sở hữu chéo ngân hàng: Đã xử lý nhưng chưa dứt điểm

    04:54, 02/11/2018

  • Luật các TCTD chính thức có hiệu lực: Chặt

    Luật các TCTD chính thức có hiệu lực: Chặt "vòi bạch tuộc" sở hữu chéo

    10:06, 15/01/2018

  • “Chặn cửa” sở hữu chéo

    “Chặn cửa” sở hữu chéo

    06:10, 25/11/2017

  • Thống đốc NHNN lý giải vì sao sở hữu chéo vẫn khó kiểm soát?

    Thống đốc NHNN lý giải vì sao sở hữu chéo vẫn khó kiểm soát?

    09:10, 17/11/2017

Thông tư 46 yêu cầu TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác; TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung). Kế hoạch khắc phục tối thiểu phải có danh sách nhóm cổ đông lớn có liên quan, biện pháp và lộ trình khắc phục.

Thêm nữa, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối, TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp: Nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu, mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ nhưng đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn tại Luật Các TCTD.

Thông tư cũng quy định, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung)…

Đối với các trường hợp sở hữu vượt giới hạn khác, sẽ bị NHNN xử lý theo Thông tư số 06/2015/TT-NHNN.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 46 là động thái rất tích cực, quyết liệt trong tiến trình giảm dần tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: “Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM”.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của NHNN, nhiều trường hợp các TCTD đã thoái vốn khỏi các TCTD khác như: Vietcombank thoái vốn cổ phần tại OCB, Saigonbank, Eximbank, MB, Công ty tài chính Xi măng; VietinBank thoái vốn khỏi Saigonbank; Agribank thoái vốn khỏi OCB; Eximbank thoái sạch vốn tại Sacombank… Đến thời điểm này, sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp, sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp…

Tăng cường sự minh bạch

Xử lý tình trạng sở hữu chéo đã và đang có những tín hiệu tích cực, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, là còn có nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Trong khó khăn đó, theo TS-LS. Bùi Quang Tín, liên quan tới vấn đề tính toán lại giá trị của các cổ phần, định giá lại giá trị của cổ phần. Sau thời gian đầu tư thì sẽ định giá lại như thế nào?

Câu trả lời này rất quan trọng, là mấu chốt cho vấn đề tìm đối tác để ngân hàng sang nhượng lại, lựa chọn hình thức sang nhượng riêng lẻ, hay bán ra trên sàn: UPCoM, HNX... nếu đã niêm yết? Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nay vẫn được kỳ vọng khả quan, khi đó giá sẽ nâng lên, trường hợp có thoái vốn cũng ít rơi vào bị lỗ hơn.

Một chuyên gia ngân hàng cũng chia sẻ, sở hữu chéo có liên quan tới các DNNN thì rất khó có thể xử lý dứt điểm trong một sớm một chiều, mà cần có lộ trình để cổ phần hoá DNNN lành mạnh hơn, phát triển đúng theo nền kinh tế thị trường. Bởi “có làm được hiệu quả thì các ngân hàng mới có điều kiện và cơ hội để thoái vốn một cách minh bạch, nhanh chóng và công khai. Hiện cổ phần hoá DNNN vẫn còn chậm, trong khi sở hữu chéo ngân hàng có dính tới nhiều DNNN sẽ có ảnh hưởng dây chuyền”.

Vị này cũng khuyến nghị, vấn đề là “chúng ta không thể chỉ nhìn vào tỷ lệ của các cổ đông trên sổ sách để có thể loại trừ được hiện tượng lợi ích nhóm. Thực tế, không ít cổ đông của các ngân hàng thông qua những cá nhân, thành phần kinh tế khác để sở hữu cổ phần của các ngân hàng. Vì vậy cần phải tăng cường sát sao hơn để có thể kiểm tra được tỷ lệ cổ phiếu thực tế, chứ không chỉ trên sổ sách”.

Nói về kỳ vọng trong năm 2019, chuyên gia cho rằng vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống TCTD sẽ có những chuyển biến tích cực, bởi các ngân hàng cũng bắt buộc phải tới thời điểm tuân thủ các quy định theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã chính thức tham gia sân chơi CPTPP, đón nhận sự tham gia của nhiều ngân hàng nước ngoài bước chân vào thị trường tài chính Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, lành mạnh, các ngân hàng phải tuân thủ luật lệ để có thể cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

Thấu hiểu điều đó, nên dù tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát, nhưng Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng lưu ý, trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể gây bất ổn cho hoạt động của từng TCTD riêng lẻ cũng như có thể gây ảnh hưởng tới rủi ro hệ thống.

Đây là một trong những điểm rất đáng quan tâm mà trong quá trình cơ cấu lại, toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nhận diện và đánh giá, thực hiện giải pháp theo quyết định của Thủ tướng cũng như Đề án đã được phê duyệt. Từng bước xử lý và xoá bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã trải qua giai đoạn 1 và đang ở trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu (2016 - 2020), với nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống TCTD hiện đại, an toàn, đa dạng về cấu trúc sở hữu, quy mô và loại hình, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời nâng cao vai trò chi phối của các TCTD Việt Nam, chấn chỉnh hoạt động của các TCTD vi mô, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD nước ngoài hoạt động và cạnh tranh bình đẳng ở Việt Nam.

Theo Thoibaonganhang