Cửa tín dụng vẫn rộng mở

Hà Anh 04/08/2019 11:01

Dù nhiều ngân hàng có nguy cơ “ngồi chơi xơi nước” những tháng cuối năm nay nếu không được nới room tín dụng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp không nên quá lo ngại về điều này. 

Mặc dù mới chỉ đi được nửa chặng đường của năm 2019, nhưng không ít ngân hàng đã hoàn thành tới 70-80% kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm, cá biệt có ngân hàng hoàn thành tới hơn 90%.

p/Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2019

Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2019

“Vung tay quá trán”

Những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm nay chính là các ngân hàng đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. Trong đó, VIB đang dẫn đầu khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu 2019 đạt gần 19% so với cuối năm 2018, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm 35%.

Đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng tín dụng có lẽ là OCB khi mà dư nợ cho vay khách hàng cũng đạt tới 20% trong nửa đầu năm nay, tức đã “về đích” kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm.

Các nhà băng còn lại cũng phải tạm ứng hạn mức tăng trưởng tín dụng của những tháng cuối năm khi đều thực hiện quá 50% kế hoạch tín dụng cả năm. Chẳng hạn tín dụng 6 tháng đầu năm nay của Vietcombank tăng 10,1% trong khi kế hoạch năm là 15%; ACB tăng 8,8% trong hạn mức tín dụng mới là 17%; Sacombank là 8,9% trên kế hoạch 16%; LienVietPostBank là 8,4% trên kế hoạch 15,57%...

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng

    Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng

    05:01, 26/06/2019

  • Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng

    Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng

    05:01, 17/05/2019

  • NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng

    NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng

    15:35, 08/05/2019

  • Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt

    Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt

    11:01, 14/01/2019

  • Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu

    Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu

    14:20, 27/11/2018

  • Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?

    Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?

    05:30, 16/10/2018

Vì lẽ đó, không ít ngân hàng đang xếp hàng xin NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Tuy nhiên, hiện cũng có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất thấp. Chẳng hạn như Eximbank, sau 6 tháng đầu năm nay, tín dụng của nhà băng này mới chỉ tăng 1,86%, tức mới hoàn thành 16,87% kế hoạch tín dụng cả năm. Ngay cả VietinBank, tín dụng cũng mới tăng có 2,38% trong 6 tháng đầu năm, tức mới hoàn thành hơn 34% kế hoạch năm.

Viễn cảnh “ngồi chơi xơi nước”

Năm ngoái cũng có không ít ngân hàng phải “ngồi chơi xơi nước” trong những tháng cuối năm vì không được NHNN nới room tín dụng. Viễn cảnh này có nguy cơ tái diễn trong năm nay.

Đến nay vẫn chưa có thông tin nào phát đi từ NHNN về việc có nới hạn mức tín dụng chung 14% hay không. Ngay cả những ngân hàng đã được NHNN nới room đều đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II, nhưng mức nới cũng không nhiều.

Trong khi thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, tín dụng của toàn hệ thống tăng 7,33% trong 6 tháng đầu năm, xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm trước. Đó cũng là một lý do để NHNN thận trọng với hạn mức tín dụng của các ngân hàng, nhất là khi áp lực lạm phát, tỷ giá dù đã giảm bớt, nhưng vẫn còn khá lớn.

“Khó ló cái khôn”

Một quan chức NHNN cho biết, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng 14% năm nay nhằm đảm bảo ổn định tài chính cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, không làm phát sinh nợ xấu. Các ngân hàng cho vay vượt chỉ tiêu tín dụng được cấp là vi phạm, sẽ không được nới hạn mức.

Đồng tình với quan điểm của NHNN, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần hết sức cân nhắc với việc nới room tín dụng vì các lý do: Thứ nhất, việc siết chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng là cần thiết và phù hợp với khuyến cáo của IMF khi mà dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tăng lên hơn 130% GDP. Thứ hai là vấn đề kỷ luật thị trường. “Nếu nới room tín dụng sẽ tạo thành tiền lệ xấu trên thị trường”, vị này khuyến cáo.

Thừa nhận việc không được nới room tín dụng sẽ ảnh hưởng tới khả năng cho vay của nhiều ngân hàng, song vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng. Bởi vì, tín dụng 6 tháng đầu năm nay mới tăng 7,33%, có nghĩa mới đạt hơn 50% chỉ tiêu tín dụng cả năm nên dư địa tín dụng những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, những ngân hàng đã sắp cạn room tín dụng, nhưng cũng có những ngân hàng mới chỉ tăng trưởng tín dụng được một chút. Ngoài ra, những ngân hàng không được nới room cũng sẽ tìm cách quay vòng nhanh đồng vốn, tích cực thu hồi nợ để có dư địa cho vay.

Hà Anh