Quy định mới sau vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng

Hà Anh 20/11/2019 19:00

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

Từ ngày 31/12, hành vi giao dịch ngoại tệ tại tổ chức không được phép mà số tiền dưới 1.000 USD sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo.

Từ ngày 31/12, hành vi giao dịch ngoại tệ tại tổ chức không được phép mà số tiền dưới 1.000 USD sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo.

Những tình huống trớ trêu

Theo quy định hiện hành (Nghị định 96/2014/NĐ-CP), hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu số ngoại tệ và đồng Việt Nam đối với hành vi phạm này.

Việc duy định một mức xử phạt chung cho tất cả các hành vi vi phạm như vậy đã dẫn tới không ít những tình huống trớ trêu “hợp lý nhưng không hợp tình”. Trong đó trường hợp xử phạt đối với anh thợ điện Nguyễn Cà Rê tại Cần Thơ hồi cuối năm 2018 là một ví dụ điển hình.

Số là ngày 23/10/2018, UBND thành phố Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Ngoài phạt tiền, anh Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Với tiệm vàng, UBND thành phố Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của anh Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Theo lời khai của anh Rê, 100 USD là tiền của người thân gửi cho anh. Cuối năm 2017, anh mang đến tiệm vàng đổi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 13/8/2018, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm.

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận thời gian đó và đã vấp phải không ít phản ứng từ phía người dân. Trên thực tế, việc người dân đi đổi ngoại tệ với số lượng nhỏ tại các tiệm vàng diễn ra rất phổ biến và hầu hết mọi người đều không biết là các tiệm vàng này có hay không có giấy phép được tổ chức thu đổi ngoại tệ. Người dân cũng không có quyền yêu cầu các địa điểm này trưng ra giấy phép cho họ kiểm tra.

Vì lẽ đó, dù thừa nhận quyết định xử phạt của UBND thành phố Cần Thơ là hoàn toàn đúng luật, nhưng nhiều luật sư cũng cho rằng, quyết định này về lý có phần không ổn. Theo các luật sư, quy định này nhằm kiểm soát việc thu đổi ngoại tệ trái phép của các tổ chức là chính, nên việc xử phạt cá nhân đi đổi ngoại tệ với số tiền lên đến 90 triệu đồng là quá bất hợp lý, bởi mức phạt đó  quá lớn so với thu nhập bình quân của người lao động bình thường có nhu cầu đi đổi ngoại tệ. Từ đó, không ít luật sư đã kiến nghị, mức xử phạt đối với cá nhân cần được chia nhỏ dựa trên giá trị giao dịch vi phạm.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu đổi ngoại tệ: Tới đâu để không bị phạt?

    Thu đổi ngoại tệ: Tới đâu để không bị phạt?

    02:52, 25/10/2018

  • Vụ đổi 100 USD bị phạt ở Cần Thơ: Cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh

    Vụ đổi 100 USD bị phạt ở Cần Thơ: Cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh

    12:05, 06/11/2018

  • Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Cần Thơ miễn phạt cho anh Nguyễn Cà Rê

    Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Cần Thơ miễn phạt cho anh Nguyễn Cà Rê

    00:00, 06/11/2018

  • Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chủ tịch Quốc hội đề nghị NHNN sửa lại quy định

    Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chủ tịch Quốc hội đề nghị NHNN sửa lại quy định

    15:58, 30/10/2018

Hợp lý, hợp tình hơn

Đó chính là lý do Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thay thế cho Nghị định 96/2014/NĐ-CP đã chia nhỏ các mức phạt theo giá trị giao dịch vi phạm.

Theo đó, chỉ phạt cảnh cáo đối với các hành vi sau: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng vẫn những hành vi trên, song tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì mức xử phạt sẽ được nâng lên thành từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức xử phạt này cũng được áp dụng cho các hành vi nói trên, song giá trị giao dịch từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương). Mức xử phạt sẽ tiếp tục được nâng lên từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu giá trị giao dịch vi phạm là từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD; 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu giá trị giao dịch vi phạm từ 100.000 USD trở lên.

“Việc giữ nguyên mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng, song chia nhỏ các mức xử phạt dựa trên giá trị vi phạm như vậy, đặc biệt tính tới các trường hợp tái phạm… là hợp lý hơn trong khi vẫn đảm bảo tính răng đe”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Còn nhớ trước đó, cơ quan soạn thảo chỉ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Trong đó vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối (khoản 38 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 24 Nghị định 96) quy định “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; b) Mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.

Tuy nhiên theo VCCI, việc quy định một khung chung mức phạt cho hành vi vi phạm mà không xác định dựa vào giá trị giao dịch có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng vi phạm. Điều này là chưa hợp lý vì mức phạt chưa tương ứng với tính chất của vi phạm.

Rõ ràng với những quy định mới, chắc chắn sẽ không tái diễn những tình huống trớ trêu như trường hợ của anh Nguyễn Cà Rê nữa.

Hà Anh