Những nữ tướng tài sắc của các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" trong nền kinh tế
Nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn trên thị trường niêm yết đồng thời là sếu đầu đàn trong nền kinh tế đang được dẫn dắt bởi các nữ tướng - là các nhà lãnh đạo thuộc giới nữ tài ba.
Nữ tỷ phú quyền lực của ngành hàng không - ngân hàng
Nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2019 theo vinh danh của Forbes là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực HDBank.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp CEO Vietjet có tên trong danh sách này. Theo thống kê của Forbes, tại thời điểm 13/12/2019, tổng tài sản của CEO Vietjet đạt 2,7 tỉ USD, là tỉ phú nữ duy nhất của Việt Nam trong danh sách tỉ phú đô la của Forbes. Nữ tỉ phú đứng đầu tập đoàn đầu tư đa ngành Sovico, ngân hàng HDBank và những bất động sản cùng các tài sản khác.
Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang dẫn đầu thị trường bay nội địa. Mục tiêu của Vietjet hiện tại là vươn ra khu vực khi hãng này mở rộng không ngừng các đường bay quốc tế tới các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...
Vietjet đã niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2017 và là một trong 10 Doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn nhất thị trường.
Trong khi đó, HDBank mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo dẫn dắt với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT, đã niêm yết trên thị trường chứng khoán vào đầu năm 2018 và trở thành một trong những ngân hàng niêm yết lớn nhất. HDB của HDBank là mã cổ phiếu ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và nắm giữ, đưa HDBank cũng lọt vào danh mục 20 doanh nghiệp larger-cap của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đây cũng là một những nữ CEO tiên phong dẫn dắt các doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển và mở rộng theo mô hình kinh doanh độc đáo của hệ sinh thái tài chính- hàng không- bán lẻ -tiêu dùng- viễn thông- năng lượng- bất động sản. Nữ tỷ phú USD tài sắc còn nổi tiếng triết lý kinh doanh để "cho đi mà không mong nhận lại gì" và đi đầu thiết kế những chương trình CSR thực hiện trách nhiệm cộng đồng theo văn hóa riêng của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của bà.
"Bà trùm" tài chính và Tiêu dùng
Từng là Cục trưởng Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch SCIC, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính là một trong những điểm nổi trội của nữ tướng Lê Thị Băng Tâm.
Từ năm 2010, khi HDBank đón là gió mới từ nguồn vốn mới, đổi tên và tái cơ cấu, thực hiện chiến lược đột phá với 2 thương vụ M&A tiên phong cả trong nước và quốc tế, bà Lê Thị Băng Tâm đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT HDBank. Bà giữ vị trí này qua các nhiệm kỳ tại HDBank từ đó đến nay.
Con đường của nguyên nữ Thứ trưởng Bộ Tài chính đến với vai trò "bà trùm" còn mở rộng sang cả lĩnh vực tiêu dùng khi bà được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk - Doanh nghiệp vốn hóa lớn của thị trường chứng khoán cũng là doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa Việt Nam.
Trước khi bà Lê Thị Băng Tâm giữ ghế Chủ tịch tại Vinamilk, bà từng là TV HĐQT độc lập của công ty này. Việc bà Lê Thị Băng Tâm kiêm vai bà trùm tiêu dùng là một nỗ lực "đổi ngôi" tại Vinamilk để nữ tướng Mai Kiều Liên dồn sức cho công tác điều hành ở vị trí Tổng Giám đốc. Cũng là một nỗ lực minh bạch hóa hai chiếc "ghế" chiến lược và điều hành tại VNM. Bà Tâm hiện tại vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT song song của hai doanh nghiệp hàng đầu ở 2 lĩnh vực tài chính- ngân hàng.
"Linh hồn" của doanh nghiệp sữa Việt Nam
Qua hàng thập kỷ hoạt động, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện là doanh nghiệp đầu ngành Sữa Việt Nam và gắn liền thương hiệu cùng nữ tướng Mai Kiều Liên. Trong đó, bà Liên, ở vị trí Tổng Giám đốc và có nhiều năm kiêm nhiệm vai Chủ tịch HĐQT, đã và đang tiếp tục đóng góp lớn cho doanh nghiệp này.
Năm 2018, Forbes Việt Nam lần đầu tiên công bố giải thưởng "Thành tựu trọn đời". Trong lần đầu trao giải, tạp chí vinh danh duy nhất một người phụ nữ Việt Nam nổi bật có những thành tích và đóng góp đã được chứng minh và ảnh hưởng lớn tới một lĩnh vực, xã hội hay quốc gia. Đó chính là giải thưởng được trao cho CEO Vinamilk.
Vinamilk lên sàn niêm yết năm 2006, đến nay, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chạm mốc vốn hóa thị trường trên con số chục tỷ đô. Có những thời điểm, vốn hóa của Vinamilk đạt xấp xỉ tới 15 tỷ USD và riêng giá trị thương hiệu được định giá tới 2,2 tỷ USD.
Đầu năm 2020, ngoài trọng trách tiếp tục là CEO thuyền trưởng dẫn dắt Vinamilk và mặc dù đang nỗ lực đào tạo thế hệ kế thừa để chuyển giao, nữ tướng quyền lực ngành sữa tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT GTNfoods.
Theo đó, chiến lược kinh doanh bền vững của Vinamil theo hướng phát triển bền vững có nghĩa là "mình không chỉ nghĩ đến mình, mình nghĩ cho những người xung quanh. Tiêu chuẩn phát triển bền vững có của cả Liên hợp quốc và của ngành sữa thế giới. Mỗi một ngành nó có tiêu chí riêng để phát triển bền vững. Vinamilk chấp hành và đi theo chuẩn mực chung" được mở rộng đến cả doanh nghiệp ngành sữa đang có chuỗi cung ứng Mộc Châu chất lượng và uy tín gắn liền cùng đời sống của các hộ gia đình nông dân vùng sữa phía Bắc.
Thủ lĩnh ngành Nước và Cơ điện lạnh
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, CTCP Cơ điện lạnh Việt Nam (REE) thuộc hàng những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên.
REE được dẫn dắt bởi thủ lĩnh Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty. Bà là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 33 tuổi, bà được kế vị lãnh một Xí nghiệp thiết bị điện lạnh - đơn vị về sau đã cổ phần hóa và là tiền thân của REE.
Nếu như REE nổi tiếng vì là một doanh nghiệp có "cơ ngơi" và vị trí trong lĩnh vực Cơ Điện Lạnh thì với sự dẫn dắt của nữ tướng có phong cách lãnh đạo vừa uyển chuyển vừa nghiêm ngặt như... quân đội, Công ty này cũng nổi tiếng trong lĩnh vực M&A. Người hoạch định các chiến lược M&A chính là nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh.
Đến cuối năm 2019, trong mạng lưới phát triển của mình thông qua M&A và các hoạt động đầu tư khác, REE gần như nắm giữ thị phần chi phối tại hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh năng lượng và tài nguyên điện, nước như: CTCP Thủy điện Thác Bà; Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh; CTCP Thủy điện Miền Trung; Thủy điện Thác Mơ; 25,76% cThủy điện Sông Ba Hạ; Thủy điện Srok Phu Mieng; Thủy điện Bình Điền; Nhiệt điện Phả Lại; Nhiệt điện Ninh Bình; Phong điện Ninh Thuận; CTCP B.O.O Nước Thủ Đức; CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn; CTCP Nước sạch Khánh Hòa;CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp; CTCP Cấp nước Thủ Đức; CTCP Cấp nước Nhà Bè; CTCP Cấp nước Gia Định và CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)...
Có thể bạn quan tâm
Những "bóng hồng" quyền lực trong lĩnh vực địa ốc
13:51, 08/03/2020
Bà Mai Kiều Liên, TGĐ Vinamilk được Forbes Việt Nam vinh danh với giải thưởng “Thành tựu trọn đời”
16:05, 24/10/2018
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ hành trình vượt khó của Vinamilk
20:12, 09/12/2015
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lọt vào '100 phụ nữ quyền lực nhất' 2019
10:38, 14/12/2019
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và tham vọng bay toàn cầu
14:28, 26/09/2019
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 11 bậc trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới
10:10, 06/12/2018
Chân dung Chủ tịch HĐQT Vinamilk Lê Thị Băng Tâm
10:32, 28/07/2015
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Tôi không phải là 'iron women', tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật
14:54, 22/08/2019
Nữ tướng "vàng bạc" và bán lẻ
Nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung hơn 30 năm có lẻ đã góp công xây dựng, chèo lái con thuyền CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) từ chỗ một cửa hàng nhỏ, trở thành một đế chế kinh doanh nữ trang, đá quý lớn của Việt Nam.
Bà Cao Thị Ngọc Dung vừa rời ghế Tổng Giám đốc tại PNJ, nhường chỗ cho thế hệ kế cận là CEO Lê Trí Thông. Song bà vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty này.
Tại cuối 2018, khi bà Dung lui về nhường ghế điều hành, cùng với PNJ, bà đã đã xác lập kỷ lục mới trong 30 năm hoạt động: Doanh thu công ty đạt 14,5 ngàn tỉ đồng, tăng 32%. Lợi nhuận sau thuế đạt 960 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến 2018. Cùng với đó, những thay đổi về mặt hàng kinh doanh, cải tổ tổ chức hoạt động của PNJ bắt đầu và tiếp tục tạo nền tảng để tham vọng của bà Dung với PNJ không chỉ trở thành nhà cung cấp vàng trang sức hàng đầu mà còn phải trở thành một nhà bán lẻ mặt hàng này hàng đầu đất nước.
Không chỉ là người phụ nữ tài ba trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý, TGĐ PNJ còn là người có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đồng thời là một trong những người đã sáng lập Hội doanh nhân trẻ TPHCM, Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam.
Đặc biệt bà Dung cũng là người luôn tiên phong trong các hoạt động của doanh nhân nữ cả nước, hiện bà đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (Vawe), là người khởi xướng, sáng lập kiêm Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP HCM (Hawee) được xem là một tổ chức có uy tín lớn trong cộng đồng doanh nhân nữ tại Việt Nam hiện nay.