Cần “cú hích” cho tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục cho vay do dư địa tín dụng vẫn còn.
>>> NHNN sẽ “nới tay” trong điều chỉnh room tín dụng
Tuy nhiên theo các chuyên gia, NHNN cần thêm biện pháp hỗ trợ để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đã đề ra.
Tín dụng tăng chậm
NHNN vừa yêu cầu các TCTD tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bởi đến nay, tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2021, còn 2,5 điểm phần trăm nữa so với chỉ tiêu năm 2022.
Thế nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bài toán khó đối với các TCTD là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết nên rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Do đó, dù NHNN nới thêm room tín dụng thì các ngân hàng cũng không còn vốn để cho vay.
Tình trạng “thiếu vốn” của các nhà băng được thể hiện rõ qua diễn biến của thị trường liên ngân hàng. Theo BVSC, từ cuối tháng 6 đến nay, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng tăng nhanh ở tất cả các kỳ hạn, trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng cũng tăng khá mạnh.
Theo SSI Research, thanh khoản tín dụng đang bị mắc kẹt ở nhóm bất động sản và đầu tư trái phiếu, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động.
Tuy nhiên, tín dụng bất động sản hay đầu tư trái phiếu đều có kỳ hạn khá dài, thậm chí nhiều khoản vay đối với bất động sản có thời hạn 20-30 năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, có nghĩa dù các nhà băng tăng lãi suất để thu hút vốn cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Chưa kể từ ngày 1/10 vừa qua, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung– dài hạn của các ngân hàng đã giảm tiếp về 34%. Điều đó càng khiến các ngân hàng khó khăn trong việc đáp ứng các quy định về an toàn vốn.
Cần thêm biện pháp hỗ trợ
Vì lẽ đó theo các chuyên gia ngân hàng, NHNN cần có thêm các biện pháp hỗ trợ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Việc làm đầu tiên mà cơ quan quản lý có thể thực hiện được ngay là rà soát và phân bổ lại hạn mức tăng trưởng tín dụng, dồn cho các ngân hàng còn khả năng cho vay”, một chuyên gia ngân hàng gợi ý.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hiện tại NHNN nên cân nhắc nới tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR). Theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ LDR tối đa 85%; có nghĩa huy động được 100 đồng, các ngân hàng chỉ có thể cho vay tối đa có 85 đồng. “Việc nới tỷ lệ LDR sẽ giải phóng thêm thanh khoản và tăng khả năng cho vay của các ngân hàng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nên cân nhắc việc nới tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. Ngoài ra, NHNN cần bơm thêm tiền với lãi suất thấp qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng. Chỉ có như vậy mới có thể giúp các nhà băng tăng cường cho vay được.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng thứ hai công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm dịp cuối năm
08:24, 28/11/2022
Cho vay ngang hàng: Hướng đi nào phù hợp với Việt Nam?
11:30, 19/11/2022
Cấp bách đưa cho vay ngang hàng vào khuôn khổ
02:00, 22/10/2022
Cathay United Bank lựa chọn iKredit360 giúp chuyển đổi hoạt động cho vay
15:02, 27/09/2022