Doanh nghiệp "gánh" hệ lụy từ vụ tôm chết đồng loạt tại Phú Yên
Mặc dù đã hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng phải tạm dừng để phục vụ cho công tác thanh tra kiểm tra kể từ khi vụ tôm chết đồng loạt hồi tháng 5/2017 tại Phú Yên, nhưng đằng sau vụ tôm chết đó đang để lại những hệ lụy vô cùng lớn khiến doanh nghiệp phải làm đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng với hy vọng được hỗ trợ.
Doanh nghiệp bị đối tác làm khó
Như DĐDN đã thông tin, trước tình hình tôm, cá chết hàng loạt của một số hộ dân tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từ tháng 5/2017, một số hộ nuôi tôm cho rằng nguyên nhân tôm, cá chết là do Nhà máy chế biến thủy hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải vào nguồn nước. Vì lẽ đó người dân đã kéo đến và tụ tập rất đông người tại Nhà máy của Công ty TNHH Nguyễn Hưng và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ và không cho nhà máy hoạt động. Tuy nhiên việc phải đóng cửa nhà máy để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra đã để lại những hệ lũy nặng nề cho doanh nghiệp, đặc biệt là những hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa án quốc tế vì phá vỡ hợp đồng.
Trao đổi với DĐDN về những sự cố gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hưng Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Cty Nguyễn Hưng), chia sẻ: bên cạnh những thiệt hại của nông dân nuôi tôm bị chết tại địa phương lên đến hàng tỷ đồng thì doanh nghiệp cũng thiệt hại không kém.
Theo ông Hòa, sau sự cố đó nhiều công nhân của doanh nghiệp đã bỏ việc, máy móc, dây chuyền bị han gỉ do lâu ngày không hoạt động, các đối tác yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại vì không đảm bảo được nguồn hàng theo như hợp đồng đã ký kết, đồng thời phải giảm giá cho các đơn hàng đã thực hiện trước đó đang là những khó khăn mà doanh nghiệp không biết chia sẻ cùng ai. Cũng theo ông Hòa, chỉ tính riêng thời gian ngưng nghỉ để phục vụ cho việc thanh tra kiểm tra của cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng vì không có doanh thu, lợi nhuận…chưa kể việc công nhân bỏ việc không thể tuyển dụng ngay, máy móc phải bảo trì, sữa chữa do lâu ngày không hoạt động, bên cạnh đó là sự làm khó của các đối tác nước ngoài trong hợp đồng thực hiện đơn hàng.
Rõ ràng theo kết luận của các cơ quan chức năng thì việc tôm chết đồng loạt của nông dân không phải nguyên nhân mà doanh nghiệp gây ra, song, những thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu là những thiệt thòi rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, hơn bao giào hết và ngay trong lúc này Cty Nguyễn Hưng rất cần sự chia sẻ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục thuế…trong việc miễn giảm thuế để doanh nghiệp bù đắp những tổn thất trong thời gian ngưng nghỉ và có động cơ để duy trì hoạt động góp phần phát triển kinh tế địa phương – ông Hòa đề nghị.
Chính quyền sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp
Chia sẻ với doanh nghiệp về sự việc nêu trên, ông Nguyễn Trọng Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, cho rằng: những tổn thất của doanh nghiệp là rủi ro ngoài ý muốn, các cơ quan chức năng của Phú Yên đều thấy rõ việc này. Tuy nhiên vì lý do liên quan đến tâm lý người dân, ổn định dư luận. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1064/QĐ-UBND để xem xét tình hình xả thải của Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Ngày 29/05/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Phú Yên đã làm việc tại Công ty TNHH Nguyễn Hưng và đã kết luận: “Qua khảo sát thực tế đoàn kiểm trả chưa phát hiện dấu hiệu nào về việc xả lén nước thải ra môi trường” của Cty Nguyễn Hưng. Ngày 02/06/2017, Đoàn kiểm tra của Cục Môi trường và Tây nguyên – Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình thu gom và xử lý nước thải tại nhà máy và cũng đã có biên bản kết luận: “tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện điểm xả thải nào khác ra ngoài phạm vi công ty”. Và từ những kết luận trên UBND tỉnh đã cho phép Cty Nguyễn Hưng hoạt động quay trở lại. Tuy nhiên cũng chính vì nguyên nhân đó đã làm ảnh hưởng tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở thực sự chia sẻ với doanh nghiệp về những tổn thất nêu trên. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị doanh nghiệp nên có đơn đề xuất gửi lên các cơ quan chức năng để có cơ sở xem xét giải quyết – ông Tùng cho biết.
Ông Đào Mỹ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, chia sẻ: tinh thần của Phú Yên là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, tiêu chí của Phú Yên là đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Và đặc biệt là qua hội nghị xúc tiến đầu tư của Phú Yên vừa qua, Phú Yên đã nêu cao tiêu chí “thành công của doanh nghiệp là thành công của Phú Yên”. Do đó, phản ánh của doanh nghiệp về những thiệt hại, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp UBND tỉnh xin ghi nhận. Và doanh nghiệp có thể làm đơn đề xuất gửi lên UBND tỉnh để có cơ sở đề nghị các cơ quan chuyên môn tham mưu và tìm ra hướng giải quyết – ông Mỹ nhấn mạnh.
Ngày 01/6/2017, tại Công văn số 2887/UBND-ĐTXD, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Cty Nguyễn Hưng phải đóng cửa nhà máy đểns khi UBND tỉnh Phú Yên cho phép. Tại Quyết định số 1064/QĐ-UBND, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn kiểm tra để xem xét tình hình xả thải của Công ty TNHH Nguyễn Hưng. Ngày 29/05/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Phú Yên đã làm việc tại Công ty TNHH Nguyễn Hưng và đã kết luận: “Qua khảo sát thực tế đoàn kiểm trả chưa phát hiện dấu hiệu nào về việc xả lén nước thải ra môi trường” của Cty Nguyễn Hưng. Ngày 02/06/2017, Đoàn kiểm tra của Cục Môi trường và Tây nguyên – Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình thu gom và xử lý nước thải tại nhà máy và cũng đã có biên bản kết luận: “tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện điểm xả thải nào khác ra ngoài phạm vi công ty”. |