Điểm mặt 13 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương (kỳ 6): Ethanol Phú Thọ đón đầu để làm gì?
Dự án có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng, Ethanol Phú Thọ là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học.
Mặc dù dự án thi công hoàn thành được 80% khối lượng công trình và đội vốn lấy hết 50ha đất hai lúa “bờ xôi ruộng mật”, nhà máy này đến nay vẫn “không một giọt sản phẩm”.
Cụm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Ethanol được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/8/2008 với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và do Công ty cổ phần Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư trên diện tích gần 50ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (huyện Tam Nông).
Năm 2008, chủ đầu tư PVB đã tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, Công ty CP Thiết kế công nghiệp Hóa chất (CECO) là đơn vị trúng thầu. Sau khi CECO lập xong dự án đầu tư xây dựng, ngày 26/2/2009, Chủ tịch HĐQT PVB ban hành quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng.
Năm 2009, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã xin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu và được PVN chấp thuận giao cho thực hiện gói thầu EPC. Chính vì vậy, dự án mới được xây dựng theo hình thức Tổng thầu (EPC) giữa chủ đầu tư với Liên danh PVC-Alfa Laval (Ấn Độ).
Có lẽ, chính những quyết định này đã dẫn đến tình trạng đội vốn. Tính đến ngày 31/10/2014, tổng số tiền đã sử dụng vào dự án là 1.534,556 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt 217 tỷ đồng bởi PVC là nhà thầu chưa từng thực hiện các hợp đồng EPC, dự án NLSH hoặc các dự án có tính chất tương tự nhưng vẫn được chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC là vi phạm Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là những con số rất nhỏ, trong quá trình làm nhà thầu PVC đã vi phạm hàng loạt Luật, Nghị định, qui định để thao túng hàng chục triệu đô la.
Rõ ràng nhất là tại 9 hạng mục điều chỉnh tăng tới 10,592 triệu USD. Hạng mục nhà kho chứa sắn và cụm nghiền có giá trị hợp đồng 1.495.000 USD được điều chỉnh thành 3 cụm máy với giá trị 2.560.000 USD, tăng 1.065.000 USD. Đơn giá theo hợp đồng là 747.500 USD/cụm, điều chỉnh thành 853.333 USD/cụm, 2 cụm tăng 211.667 USD là không đúng qui định của hợp đồng. Ngoài ra, việc bổ sung 1 cụm nghiền dự phòng khi lập thiết kế kỹ thuật với giá trị 853.333 USD là không tuân thủ đúng Thiết kế cơ sở và chưa cần thiết khi dự án đang thiếu vốn đầu tư.
Hạng mục xử lý nước thải, thu hồi Mathane, Decantor, sấy bã thải, giá trị hợp đồng 4.010.000 USD được điều chỉnh thành 5.550.000 USD, hạng mục Nhà máy điện, giá trị hợp đồng 4.835.000 tăng thành 6.790.000 USD đều không đúng với qui định của Hợp đồng EPC.
Gói xử lí nước thô, giá trị hợp đồng 370.000 USD điều chỉnh tăng thành 1.600.000 USD theo giá hợp đồng PVC đã ký với nhà thầu phụ, không xuất phát từ yêu cầu của dự án, làm thay đổi lớn thiết kế cơ sở và không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nên không hề có cơ sở điều chỉnh tăng nhưng vẫn cứ tăng.
Thiết bị điện động lực có giá trị hợp đồng 1.450.000 USD, nhà thầu đã nâng lên thành 3.300.000 USD, PVC nâng bằng cách lập Thiết kế kỹ thuật tăng công suất tiêu thụ điện cao gấp 2,63 lần nhưng không hề căn cứ vào một cơ sở nào…
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Đại học Nông lâm TP.HCM nhận định, đã là doanh nghiệp thì lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm thước đo cho sự tồn tại và phát triển. Tuy nhiên các doanh nghiệp Ethanol ở Việt Nam đã và đang thua lỗ nặng. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu (sắn) tăng cao, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Đặc biệt thẩm định đầu tư dự án không tính toán trước được rủi ro về sự biến động của thị trường như vậy.
“Bây giờ có hai phương án giải quyết, một là duy trì nhà máy một thời gian xem thị trường có gì thay đổi không nếu không chịu được nữa thì đành phải phá sản. Trong cơ chế thị trường, nhà nước không thể cứu được các doanh nghiệp đầu tư thất bại”, ông Ngãi nhấn mạnh.