Rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm (ATTP) chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm liệu có đảm bảo?
Đây là băn khoăn lớn của doanh nghiệp và người tiêu dùng đặt ra tại “Hội thảo phổ biến Nghị định số 15/2018 cho các doanh nghiệp thực phẩm và hiệp hội” do VCCI tổ chức ngày 23/2/2018.
Tăng nặng hình phạt
Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP được các doanh nghiệp đánh giá là rất thuận lợi. Tuy nhiên để hạn chế vi phạm, Bộ Y Tế đang đề xuất rút giấy phép và nêu tên trên các phương tiện truyền thông đối với các doanh nghiệp vi phạm ATTP. Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), hiện nay nếu doanh nghiệp vi phạm ATTP sẽ bị xử lý theo Nghị định 178/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Để đảm bảo tính khả thi, Bộ Y tế đang đề xuất thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn rất nhiều để các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc bảo đảm sản phẩm khi đưa ra thị trường, đặc biệt là rút giấy phép và nêu tên trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và tránh lựa chọn sử dụng.
Cục ATTP cũng kêu gọi người dân cần chủ động khi phát hiện các vi phạm nhanh chóng thông báo các vi phạm liên quan đến ATTP theo các số điện thoại đường dây nóng: 0243 232 1556.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/ đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Tạo thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp
Điểm mới đầu tiên trong Nghị định là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP, Bộ Y tế; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, doanh nghiệp đăng ký bản công bố tại Sở Y tế địa phương; các sản phẩm còn lại doanh nghiệp tự công bố theo hướng dẫn.
Với quy định trên, theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính, tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng.