Chọn đúng lĩnh vực đang có nhiều rào cản
Trong những ngày đầu năm, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiến hành cuộc kiểm tra về cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành của 16 bộ, cơ quan. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TRẦN HỮU HUỲNH cho rằng, đây là cuộc kiểm tra được triển khai tương đối đồng bộ và đã chọn đúng lĩnh vực, hoạt động đang là rào cản lớn nhất.
Ráo riết thực hiện
- Tổ công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra 16 bộ, cơ quan liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
- Trong năm 2017, một số bộ đã có những động thái rất tích cực, nghiêm túc thực hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Chẳng hạn như Bộ Công thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng đưa ra chương trình cắt giảm số điều kiện kinh doanh trong mỗi ngành nghề cần phải cắt giảm là bao nhiêu. Điều kiện kinh doanh trong kiểm tra chuyên ngành cũng được coi là một trong những rào cản trong xuất nhập khẩu với thống kê về số lượng ngày công và các chi phí cụ thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, cho thấy thiệt hại của xã hội là rất lớn, khiến giá thành hàng hóa tăng cao, mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Tôi cho rằng, đợt kiểm tra này của Tổ công tác của Thủ tướng triển khai tương đối đồng bộ và chọn đúng những thủ tục, lĩnh vực, hoạt động hiện đang là rào cản lớn nhất. Điều này cho thấy Chính phủ đang ráo riết thực hiện với phương châm đề ra năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
- Theo ông, trong quá trình kiểm tra, rà soát cần phải lưu ý điều gì để đạt hiệu quả?
- Nhìn một cách tổng thế, chúng ta đang chuyển hướng rất mạnh mẽ và đồng bộ. Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ khiến chức năng của các bộ không phải là chức năng quản lý vốn và không phụ trách mảng kinh doanh mà tập trung vào việc xây dựng chính sách, trong đó có mảng chính sách về điều kiện kinh doanh. Ngay cả khi còn mang 2 vai trò vừa kinh doanh đại diện phần vốn nhà nước vừa làm chính sách thì một số bộ cũng cho thấy quyết tâm để làm việc này. Tôi cho rằng, trong những đợt rà soát như thế này, Tổ công tác cần phải phối hợp với các hiệp hội, đặc biệt là các hiệp hội có những điều kiện kinh doanh được điều chỉnh xem phản hồi của họ như thế nào.
Ngoài ra, tiếp tục sử dụng những nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc đánh giá về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các bộ, ngành. Đánh giá của cộng đồng cũng là một cách để tôn vinh và góp phần phê phán các bộ, ngành chưa làm được.
Để không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
- Theo ông, sau đợt kiểm tra lần này của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có khiến các bộ, ngành vào cuộc tích cực hơn không?
- Như chúng ta đã biết, Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 đặt ra yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Điều này đem đến dấu hiệu lạc quan rằng, trong thời gian tới, việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được tiến hành nhanh hơn, đồng bộ hơn. Với một số bộ đã thực hiện rồi cần thực hiện mạnh hơn nữa. Đối với các bộ có kế hoạch cắt giảm nhưng chưa đưa ra con số cụ thể hoặc mới đang thống kê thì phải tiếp tục làm. Cho nên, sau đợt kiểm tra lần này của Tổ công tác của Thủ tướng sẽ thúc đẩy các bộ thực hiện nghiêm túc, hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” sẽ không còn mà thay vào đó là “trên nóng dưới cũng nóng”.
- Với tư cách là một chuyên gia, theo ông, bước tiếp theo cần phải làm gì?
- Sau mỗi lần kiểm tra, thanh tra đều cần có những bước đi cụ thể để đem lại kết quả lâu dài. Theo tôi, sau khi kiểm tra cần phải thực hiện các bước sau: Một là, Tổ công tác cần phải thống kê lại xem từng bộ có bao nhiêu điều kiện kinh doanh, kế hoạch cắt giảm đến đâu. Hai là, Tổ công tác cùng với một số tổ chức, cơ quan như VCCI, CEM là những thành viên trong Tổ công tác đã theo dõi quá trình này đưa ra nhận xét và có nhận định về tiến trình thực hiện của các bộ như thế nào. Thứ ba, sau khi kiểm tra, cần thiết phải đưa ra quyết định mà quyết định đó được Thủ tướng Chính phủ thông qua, trong đó nói rõ thời gian, các điều kiện, nhiệm vụ phải thực hiện. Một khi quyết định trở thành văn bản quy phạm pháp luật thì bắt buộc các bộ, ngành phải thực thi.
- Theo ông, ngoài việc kiểm tra thì có cần phải có chế tài đủ mạnh đối với các bộ, ngành có cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng không thực chất không?
- Trong luật đã quy định, các bộ, ngành phải có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật nói chung thuộc lĩnh vực mình quản lý, trong đó có pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh cho nên các bộ không thoái thác trách nhiệm. Còn việc có đưa ra những quyết định, chế tài hay không thì chỉ mang tính chất tình thế.
Tuy vậy, như tôi đã nói, sau khi có rà soát của Tổ công tác nên có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nếu vi phạm quyết định này có nghĩa là ngoài vi phạm chung như vừa nói ở trên, còn vi phạm quyết định cụ thể, lúc bấy giờ có căn cứ để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của người phụ trách các bộ.
- Xin cảm ơn ông!
16 bộ, cơ quan sẽ được kiểm tra bao gồm: Công an; Quốc phòng; Tư pháp; Công thương; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông - Vận tải; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa; Thể thao và Du lịch và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |