Luật sư phân tích về vụ kiện Vinasun – Grab ngày 07/03
Sau gần 1 tháng gián đoạn, TAND TP HCM đã quyết định tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa Vinasun và Grab taxi vào ngày 07/03/2018.
Theo Quyết định số 1039/2018/QĐST-KDTM của TAND TP HCM về việc tạm ngừng phiên tòa, thời gian không quá 01 tháng kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa, cụ thể: Đối với vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 77/2017TLST-KDTM về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab, sẽ tiếp tục được xét xử vào lúc 08h 00 ngày 07/3/2018, tại Phòng xử án Tòa án Kinh tế - TAND TP HCM, số 26 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Để nắm bắt thêm thông tin về diễn biến sự việc trước phiên tòa ngày 7/3/2018 sắp tới, PV DĐDN đã liên hệ với Luật sư Nguyễn Hải Vân, người tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho Vinasun về sự chuẩn bị cũng như quan điểm, nhận định của người tham gia bào chữa trong phiên tòa sắp tới, Luật sư Vân cho biết: Hiện tại Vinasun đã chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu, chứng cứ để chứng minh Grab đang vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tại Việt Nam.
Trong phiên tòa trước, Grab vẫn biện hộ rằng chỉ cung cấp phần mềm công nghệ quản lý cho các HTX và không trực tiếp kinh doanh vận tải hành khách. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời lẽ biện hộ, đánh lạc hướng để mọi người hiểu sai lệch về bản chất của sự việc. Về thực chất Grab đang điều hành và kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cụ thể: các chương trình khuyến mại đều do Grab đưa ra và gửi tin nhắn khuyến mại tới khách hàng khi đi dịch vụ của Grab mà Vinasun đã lập vi bằng đối với 03 khách hàng. Giá cước được thay đổi liên tục trong ngày cũng do Grab đưa ra, việc xử phạt tài xế nếu có thái độ không tốt với khách hàng sử dụng dịch vụ Grab. Và cụ thể hơn là tiền của khách hàng thanh toán được chuyển về tài khoản của Grab mà tại phiên tòa trước, đại diện của Grab đã thừa nhận với hội đồng xét xử về việc này…
Với những chứng cứ trên cho thấy, Grab chính là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Việc hoạt động kinh doanh vận tải của Grab tại Việt Nam không chỉ gây khó khăn cho Vinasun và các hãng taxi truyền thống nói riêng mà còn gây khó khăn cho cả các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung trong việc quản lý, kiểm soát.
LS Vân cũng khẳng định: Tại Văn bản số 1354/BTC-TCDN của Bộ Tài chính gửi cho Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách đã có sự thay đổi, nhưng thay đổi này đã gây không ít những khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế đối với công tác quản lý thuế, những vướng mắc trong trong công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý vận tải, đăng ký kinh doanh…Do đó cần làm rõ bản chất kinh doanh của Uber, Grab mặc dù đơn vị này không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng về bản chất thì lại là dịch vụ vận tải”.
Văn bản số 541/BCT-TMĐT ngày 19/1/2018 của Bộ Công Thương gửi cho Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng cũng khẳng định: Thương mại điện tử (TMĐT) chỉ là một hình thức của hoạt động thương mại, các chủ thể khi tiến hành hoạt động TMĐT thì bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến TMĐT, còn phải tuân thủ các các quy định của pháp luật chuyên ngành khác. Vì vậy, kinh doanh vận tải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư năm 2014.
Văn bản số 244/BCA-C67 ngày 30/1/2018 của Bộ Công an gửi cho Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến thực hiện thí điểm ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, cũng chỉ ra những hạn chế mà đề án thí điểm đang gây khó khăn cho ngành, cụ thể: “Về quản lý phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, hiện tại chưa có biện pháp để cơ quan chức năng quản lý được toàn bộ phần mềm mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm. Trong khi đó, hợp đồng vận tải, hành trình chạy xe, địa điểm đón trả đều được thực hiện và được giám sát thông qua phần mềm ứng dụng mà không được kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm. Do đó việc kiểm soát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy Bộ GTVT cần ấn định thời gian cụ thể đối với từng đề nghị, không kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết như đề nghị của Bộ Công an”.
Lợi ít, hại nhiều
Rõ ràng là các cơ quan quản lý Nhà nước đã thấy được những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý từ đề án thí điểm. Và theo quản điểm của cá nhân tôi “lợi thì ít mà hại nhiều”, dẫn chứng cụ thể là có tới 8000 lao động của Vinasun bị thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người lao động, chưa kể lao động của các hãng Taxi truyền thống khác. Và chắc chắn con số sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nếu đề án thí điểm này vẫn tiếp tục – Luật sư Vân nhấn mạnh.
Do đó, Vinasun khởi kiện Grap ra tòa theo Luật thương mại và đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hoàn toàn có cơ sở. Và trong phiên tòa tới, Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và đề nghị Hội đồng xét xử đề nghị Bộ GTVT ngừng đề án 24 - Luật sư Vân cho biết thêm,.