Vinaconex gửi “tâm thư” về việc xét xử vụ vỡ đường ống nước Sông Đà

Tiến Dũng 08/03/2018 12:30

Tổng công ty Vinaconex vừa có đơn khẩn gửi các cơ quan tố tụng đề nghị xem xét lại toàn diện nguyên nhân sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.

Gửi văn bản đến các cơ quan tố tụng và xét xử của TƯ và Hà Nội, Tổng công ty Vinaconex khẳng định việc đầu tư dự án là cần thiết và hiệu quả, sự cố xảy ra là do rủi ro trong áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, không có dấu hiệu tham ô, tham nhũng và không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Cấp thiết và... không làm thất thoát ngân sách

Trong văn bản gửi các cơ quan tố tụng, Vinaconex cho rằng việc thực hiện dự án là cấp thiết lúc bấy giờ khi đầu những năm 2000, nhu cầu nước sạch phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất, kinh doanh ở Hà Nội thiếu trầm trọng. Nếu như năm 2003, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội (chưa sáp nhập) là 705.000 m3/ngày/đêm thì công suất khai thác thực tế của tất cả các nhà máy nước mới chỉ đạt 473.000 m3/ngày/đêm. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào thời điểm đó không chỉ là bức xúc của người dân mà cũng là mối lo của các cấp chính quyền Thủ đô.

Vinaconex cũng cho rằng dự án nước sạch Sông Đà không chỉ làm lợi cho xã hội mà còn gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp khi mà giai đoạn I của dự án đã giải tỏa cơn khát nước sạch cho Hà Nội và chỉ sau 1 năm đi vào khai thác, Vinaconex đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư là 218 tỷ đồng và lãi 327 tỷ đồng trong khi vẫn sở hữu 51% vốn điều lệ của công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco), chưa kể hơn 76 tỷ đồng cổ tức mà Tổng Công ty đã được nhận trong hai năm 2015 và 2016 với tư cách cổ đông.

Mặc dù đã xảy ra sự cố vỡ đường ống, nhưng khi Vinaconex thực hiện việc thoái vốn tại Viwasupco, nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm đến Dự án. Ngày 01/12/2017,  Vinaconex đã tổ chức bán đấu giá thành công 25,5 triệu cổ phần tại Viwasupco, thu về cho Vinaconex hơn 1.017,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 762,5 tỷ đồng.

Như vậy, về hiệu quả kinh tế, việc đầu tư Dự án nước Sông Đà – Hà Nội đã mang lại lợi nhuận chỉ riêng cho Vinaconex đạt tổng cộng là 1.166 tỷ đồng (chưa kể lợi nhuận từ hoạt động xây lắp).

Vinaconex  cũng khẳng định: theo báo cáo nghiên cứu khả thi, nguồn vốn để thực hiện dự án (bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) là vốn tự có của Vinaconex và vốn vay tín dụng. "Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội là một hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo hình thức BOO, sử dụng vốn tự có và vốn vay tín dụng của doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cấp" - văn bản khẳng định.

Giải trình về khoản hơn 16,6 tỷ đồng mà Công ty nước sạch Vinaconex phải bỏ ra để khắc phục 18 lần sự cố vỡ đường ống nước, Vinaconex cho biết Viwasupco đã có văn bản số 461/2016/CV-VIWASUPCO gửi các cơ quan tiến hành tố tụng, theo đó Viwasupco xác nhận chi phí sửa chữa đường ống nằm trong kế hoạch chi phí bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm và khoản chi phí này đã được HĐQT cũng như Đại hội đồng cổ đông thông qua. Đồng thời các chi phí đó được cơ quan kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước, thanh tra và cơ quan thuế công nhận là chi phí hợp lý.

“Vậy vốn đầu tư dự án là vốn tự có của doanh nghiệp và vay tín dụng, chi phí khắc phục sự cố là chi phí của doanh nghiệp, được các cổ đông nhất trí thông qua thì không thế nói chúng tôi làm ảnh hưởng hay thất thoát tiền của nhà nước” – Văn bản của Vinaconex nêu rõ.

Rủi ro trong áp dụng công nghệ mới

Nói về nguyên nhân xảy ra tình trạng vỡ đường ống nước Sông Đà, Vinaconex cho biết đã nhập khẩu dây chuyền sản xuất của nước tiên tiến, tự nghiên cứu, sản xuất và sử dụng ống cốt sợi thủy tinh phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam và được Nhà nước ưu đãi đầu tư.

Vinaconex nêu rõ ống cốt sợi thủy tinh dùng làm đường ống nước đã được nhiều nước trên thế giới áp dựng, tuy nhiên ở Việt Nam mới sử dụng lần đầu. Điều này thể hiện việc Vinaconex tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ KH – KT tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, dám nghĩ dám làm.

Đối với Kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra, từ ngày 04/02/2012 đến ngày 02/10/2016, tuyến ống truyền tải nước sạch đã bị vỡ 18 lần, số lượng ống bị vỡ là 23 cây trong tổng số trên 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện, Vinacxonex cho rằng với tổng số hơn 5.000 cây ống lắp trên tuyến ống, 23 cây ống bị vỡ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ là 0,46%. 

Thời gian phải dừng cấp nước của cả 18 lần vỡ ống là 386 giờ/432 giờ được phép để khắc phục sự cố theo quy định tại Bảng 8.1 của Tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006 (thời gian cần thiết để khắc sự cố đường ống đường kính lớn hơn 1000 mm là 24 giờ). Ngoài ra, việc phải tạm dừng cấp nước sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân có nguyên nhân khách quan do chưa có đường ống thứ hai song song.

Các sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà thời gian qua là sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc, là rủi ro kỹ thuật không lường trước được trong quá trình tự nghiên cứu, thiết kế, thi công và sản xuất ứng dụng công nghệ/vật liệu mới lần đầu tiên của Dự án tại Việt Nam. Việc lần đầu tự thiết kế, sản xuất ứng dụng vật liệu/công nghệ mới của Dự án không tránh khỏi rủi ro kỹ thuật. Xuất phát từ thực tiễn đó, Điều 25 Bộ luật hình sự 2015 đã ghi nhận không xem xét trách nhiệm hình sự khi gặp rủi ro về ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Không có dấu hiệu tham ô tham nhũng

Văn bản của Vinaconex gửi các cơ quan tố tụng cũng khẳng định: “Tại Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khẳng định việc thực hiện Dự án không có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, và không vì mục đích cá nhân”.

Trên tinh thần đó, Vinaconex đề nghị các Cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm xem xét một cách toàn diện lợi ích thực tế mà dự án nước sạch Sông Đà đã mang lạ, nguyên nhân các sự cố vỡ ống, cũng như ghi nhận sự cố gắng, tâm huyết và những đóng góp của tập thể những người lao động Vinaconex (doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xã hội hóa ngành nước), để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý, nhằm tiếp tục khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của doanh nghiệp và người lao động Vinaconex nói riêng, cũng như các doanh nghiệp trong xã hội nói chung.

Từ ngày 05/3 đến ngày 15/3/2018, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Vinaconex (sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà). Từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã 18 lần bị vỡ. Việc vỡ hệ thống đường ống nước sông Đà dẫn đến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Có 9 bị cáo nguyên là cán bộ của Vinaconex liên quan đến vụ việc và phải đứng trước vành móng ngựa. 

Tiến Dũng