TS Vũ Tiến Lộc: Nhiều tồn tại trong ngành xây dựng chưa được giải quyết

Huyền Trang 29/03/2018 09:29

Đánh giá cao tinh thần cải thiện điều kiện kinh doanh ( tại Bộ Xây dựng nhưng TS Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng, quá trình cải cách thủ tục hành chính của Bộ chưa làm doanh nghiệp hài lòng; vẫn còn nhiều “vấn đề” tồn tại trong ngành xây dựng chưa được giải quyết.

Mở màn Hội nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

“Bộ Xây dựng là một trong những bộ đi đầu trong lĩnh vực cải thiện điều kiện kinh doanh”, Chủ tịch VCCI mở đầu bài phát biểu của mình.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong bộ xây dựng giải quyết.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong bộ xây dựng giải quyết.

Để minh chứng cho những điều mình nói, Chủ tịch VCCI đã đưa ra loạt những dẫn chứng cụ thể:

“Rất nhiều quy định vướng mắc của thực tiễn đã được Bộ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và sửa đổi, bãi bỏ kịp thời. Bộ Xây dựng đã bãi bỏ quy định bán nhà phải qua sàn giao dịch bất động sản; miễn giấy phép xây dựng đối với một số công trình nhỏ hoặc đã có quy hoạch chi tiết; mở rộng quyền cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai; cho phép người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam…”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Dù vậy nhưng khi nhìn lại “bức tranh” tổng thể điều kiện kinh doanh của ngành xây dựng TS Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng lĩnh vực xây dựng còn nhiều quy định, nhiều chính sách và cả việc thực thi của các cán bộ nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

“Nhiều vấn đề cụ thể của ngành xây dựng tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết như: Chưa có hành lang pháp lý cho condotel; Chưa thể chế hoá quy định bảo lãnh thanh toán trong hợp đồng xây dựng; Tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện vẫn diễn ra; Thiếu tính liên thông thủ tục hành chính với các lĩnh vực khác như đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; Áp dụng đơn giá định mức chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các công trình không sử dụng vốn nhà nước; Nội dung giấy phép xây dựng và thủ tục cấp, điều chỉnh còn phức tạp; Chưa tiến hành xã hội hoá việc cấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát chất lượng công trình…”, ông Lộc nói.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, kết quả khảo sát hơn 8000 doanh nghiệp dân doanh mà VCCI tiến hành hàng năm (PCI) cho thấy một số vấn đề cần được lãnh đạo Bộ Xây dựng lưu ý:

Thứ nhất, trong các thủ tục hành chính liên quan nhiều nhất đến doanh nghiệp, thì thủ tục cấp phép xây dựng có mức độ chuyển biến chậm, xếp thứ 7/11 lĩnh vực được khảo sát.

Thứ hai, doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp phải có mối quan hệ với chính quyền để thuận tiện trong kinh doanh trong ngành xây dựng cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Có đến 74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để tiếp cận thông tin.

Thứ ba, các doanh nghiệp xây dựng là những doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phụ trách 195 thủ tục hành chính (ở cả cấp Bộ và cấp địa phương), 17 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và 106 điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ Xây dựng đã có kế hoạch cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ cắt giảm 4 ngành nghề xuống còn 13 ngành; đề xuất bãi bỏ 41,3%, đơn giản hoá 43,7% số điều kiện đầu tư kinh doanh.

Huyền Trang