Vì sao Bộ GTVT xin 4.000 tỉ đồng cho ACV?
Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Chính phủ "xin phép" ACV được xem xét bố trí vốn hơn 4.210 tỷ đồng để cải tạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được xem xét bố trí vốn hơn 4.210 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Trong đó, việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Tân Sơn Nhất cần 1.910 tỉ đồng cho 2 giai đoạn, tại Nội Bài cần 2.300 tỉ đồng cho 2 giai đoạn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay ACV là doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo kiến nghị của Bộ Quốc phòng, các công trình thuộc khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn là công trình dùng chung của hàng không dân dụng và quốc phòng, nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. ACV cũng chưa được giao quản lý, sử dụng và khai thác khu bay, vì thế việc sử dụng vốn của ACV đầu tư khu bay không phù hợp.
Để “gỡ khó” cho ACV, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 4.210 tỉ đồng để đầu tư các dự án khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài...
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, đề xuất này chưa phù hợp với quy định về quản lý tài sản công và ngân sách nhà nước, không có cơ sở để thực hiện.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ Giao thông Vận tải hiện chỉ còn khoản vốn dự phòng 10% (gần 3.700 tỷ đồng) chưa phân bổ, phải dùng giải quyết các tồn đọng về vốn của bộ.
Đặc biệt, ACV đã cổ phần hóa và có sự tham gia góp vốn của cổ đông tư nhân. Vì vậy, Nhà nước không thể giao cho ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải căn cứ theo quy định của Chính phủ lựa chọn đơn vị phù hợp làm chủ đầu tư.