Xây dựng đặc khu kinh tế: “Hình mẫu” nào phù hợp với Việt Nam?

Huyền Trang 20/05/2018 05:31

Nhiều nước đã thành công với mô hình đặc khu kinh tế nhưng tại Việt Nam, vấn đề phát triển mô hình này như thế nào vẫn tạo nên một luồng tranh cãi lớn.

Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra từ ngày 21/5-18/6 tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút "đại bàng" vào đặc khu: Cần thêm ưu đãi phi tài chính

    19:57, 18/05/2018

  • Nếu quá cầu toàn khi xây dựng, Luật Đặc khu có thể làm mất đi cơ hội của đất nước

    20:00, 18/05/2018

  • 3 trụ cột chính để đầu tư thành công vào đặc khu kinh tế

    12:16, 18/05/2018

Nếu áp dụng mô hình cũ sẽ gặp rủi ro?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, số lượng các đặc khu tăng nhanh qua từng thời kỳ. Từ 9 khu tại 9 quốc gia vào những năm 1960, cho đến nay đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện nay vẫn đang tiếp tục phát triển.

Với kinh nghiệm nghiên cứu đặc khu ở các nước trên thế giới, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Ba điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt. Các đặc khu này có các chức năng chính: Cải cách môi trường kinh doanh, và thay đổi chính sách phát triển”, chuyên gia WB nhấn mạnh.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu áp dụng các mô hình đặc khu cũ, Việt Nam sẽ gặp các rủi ro từ việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu áp dụng các mô hình đặc khu cũ, Việt Nam sẽ gặp các rủi ro từ việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc.

Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình cũ, Việt Nam sẽ gặp các rủi ro từ việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc.

"Chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng ra và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường", ông Sebastian nói.

Vị này cho rằng những đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam.

"Đặc khu những năm 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở nhất thế giới, chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan", ông nói.

Chuyên gia của WB cho rằng, Việt Nam đã có những cơ hội là nhân lực thấp, chế biến chế tạo. Trong tương lai, Việt Nam phải tìm kiếm nguồn lực mới, chiến lược phát triển giá trị gia tăng, thì tìm các nhà đầu tư này thì không cần phải giảm thuế mà là cần phải tìm hiểu cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chính sách bền vững, đồng nhất...

Mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

Thật ra, trên thế giới có rất nhiều mô hình đặc khu như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”… Trả lời câu hỏi của Diễn đàn Doanh nghiệp, liệu mô hình đặc khu nào sẽ phù hợp với Việt Nam?, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, sẽ không có một đặc khu nào thích hợp với Việt Nam bởi “chúng ta không thể bê nguyên xi một mô hình đặc khu kinh tế nào đó vào để áp dụng được. Cái quan trọng ở đây là phải chọn lọc những gì phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.

Là người có kinh nghiệm nghiên cứu các mô hình đặc khu trên thế giới, ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế của Tập đoàn Surbana Jurong, Singapore, lại đã cho rằng, để xây dựng đặc khu kinh tế thành công, các nước phải có mục tiêu rõ ràng: Đổi mới chính sách táo bạo; địa điểm thuận lợi, thiết kế mang tính đặc thù và quản lý hiệu quả.

“Bên cạnh đó, cần xác định rõ ràng các mục tiêu của việc thiết lập một đặc khu kinh tế để làm gì, ví dụ như đặc khu được xây dựng nhằm tạo ra việc làm, đặc biệt là khi tỉ lệ thất nghiệp đang cao; thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra dự trữ ngoại tệ, đặc biệt khi đang bị thiếu hụt dữ trữ ngoại tệ và thâm hụt thương mại; phát triển các ngành đặc thù, ví dụ như lĩnh vực du lịch và chuyển giao công nghệ.

Đối với các nước đang phát triển, việc tạo công ăn việc làm cho số đông người dân là rất quan trọng. "Trong những trường hợp như vậy, một chiến lược phát triển được đặt ra rõ ràng là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân", ông Cheong nhấn mạnh quan điểm của mình.

Ông này cũng cảnh báo, việc xác định mục tiêu không rõ ràng ngay từ đầu và không có khả năng duy trì tính nhất quán của các mục tiêu, thường dẫn đến kết quả của một đặc khu kinh tế không chỉ không hoàn thành các mục tiêu, mà còn không thành công.

Thâm Quyến, một trong gần 1.000 đặc khu thành công nhất của Trung Quốc.

Thâm Quyến, một trong gần 1.000 đặc khu thành công nhất của Trung Quốc.

Vị chuyên gia Singapore dẫn thành công của đặc khu tại Trung Quốc là Thâm Quyến, làm hình mẫu cho Việt Nam. Ông này cho biết, Thâm Quyến là đặc khu được hình thành vào năm 1980 khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế.

"Đặc khu kinh tế của Thâm Quyến được thực hiện như một thử nghiệm của Trung Quốc để kiểm tra kết quả của việc cải cách kinh tế. Các mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng cùng với các chính sách đi kèm phù hợp, ví dụ như ưu đãi thuế và các chính sách kinh doanh thông thoáng hơn đã được triển khai để tạo điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Thậm chí đến ngày nay, Thẩm Quyến vẫn đang là một trong những thành phố năng động và đổi mới nhất ở Trung Quốc", ông Cheong cho hay.

Bên cạnh Thẩm Quyến, ông Cheong cũng đưa ra ví dụ về một mô hình đặc khu khác tại Trung Quốc là Khu Công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore (CSSIP) được thành lập vào năm 1994 để Trung Quốc học hỏi và triển khai một số chính sách phát triển công nghiệp của Singapore.

Tô Châu được thành lập để phát triển lĩnh vực chế tạo định hướng xuất khẩu nhắm đến các Tập đoàn đa quốc gia tại đây. Một chính quyền chuyên biệt đã được lập ra để quản lý khu công nghiệp và hàng loạt các chính sách về đầu tư từ nước ngoài đã được tự do hóa dựa trên kinh nghiệm của Singapore.

Ngày nay, Khu Công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore là một trong những khu công nghiệp hàng đầu Trung Quốc về sản lượng công nghiệp, xuất khẩu và giá trị gia tăng với hơn thị phần của các công ty Fortune 500 toàn cầu”, ông Cheong nói.

Theo quan điểm của ông Cheong muốn đặc khu thành công thì chúng ta phải biến khu vực này thành một khu vực khác hoàn toàn với các khu khác của đất nước.

“Sau khi đã xác định các mục tiêu của đặc khu kinh tế, bước tiếp theo là hoạch định các chính sách mới một cách táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành. Một thất bại chung của rất nhiều đặc khu kinh tế là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.

Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu kinh tế chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, đặc khu kinh tế cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước", ông Cheong nói.

Vì vậy, vị chuyên gia Singapore đưa ra khuyến nghị: Đặc khu kinh tế có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều đặc khu kinh tế thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.

Cạnh đó, nếu đặc khu kinh tế có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công”, ông Cheong nhấn mạnh quan điểm của mình.

Huyền Trang