“Hệ thống giám sát doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề”
Nhiều chuyên gia khẳng định tới thời điểm hiện tại, hệ thống giám sát doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Thông tin này được chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (19/7) tại Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
06:30, 28/05/2018
Nghệ An: Doanh nghiệp nhà nước ưu ái “con ông, cháu cha”?
09:34, 26/04/2018
Doanh nghiệp nhà nước- Vai trò nòng cốt
08:40, 19/02/2018
Nhiều băn khoăn
Tại hội thảo, ông Phạm Đức Chung - Trưởng Ban Phát triển và Cải cách doanh nghiệp, Viện CIEM thông tin: Trong giai đoạn 2011-2016 tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không giảm, báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) hiện giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) cũng giảm 30%.
Đặc biệt, báo cáo của Viện CIEM còn chỉ ra rằng hoạt động đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý các dự án/doanh nghiệp kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm....
"Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên thực tế đã có nhiều quy định về thẩm quyền, đối tượng giám sát nhưng thiếu thống nhất về nội hàm/khái niệm/phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu. Bên cạnh đó là sự chồng lấn giữa giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước" ông Chung nói.
Bổ sung thêm thông tin, tại hội thảo TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện CIEM cho biết, Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện đang được các đơn vị liên quan soạn thảo.
Dù vậy, nhưng ông Cung cũng bày tỏ sự lo lắng "siêu" ủy ban quản trên 5 triệu tỉ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ tháng 2/2018 nhưng đến nay chưa đi vào hoạt động khiến nhiều người băn khoăn. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc làm thể nào để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong điều kiện số vốn lớn như vậy.
Ông Cung cho rằng cần phải thay đổi cách thức, cơ chế giám sát khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động. Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước.
Hệ thống giám sát doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề
Cũng đăng đàn tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vấn đề.
"Có hàng nghìn hội thảo và những chuyến đi khảo sát nước ngoài của chừng ấy cán bộ của Nhà nước. Tiền ngân sách, viện trợ ODA, tiền của bản thân doanh nghiệp Nhà nước đó cũng có. Nhưng kết quả cuối cùng chúng ta thấy hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước còn có nhiều vấn đề.
Khi tiếp cận suốt 21 năm về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trong quản lý kinh tế nhà nước, Việt Nam có nhiều bài học thực tiễn tốt của thế giới song chúng ta không học được họ và cũng không làm thành công như họ đã làm”, bà Lan nói.
Về quản lý và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, bà Lan cho hay, hiện tại chúng ta có quy định báo cáo, luật lệ đưa ra đầy đủ. Tuy nhiên, đây mới dừng lại ở lý thuyết khi mà các yêu cầu theo kiểu thụ động trên đưa xuống dưới kiểu "thầy đọc trò chép" và cấp dưới không biết thực hành. Nhiều yêu cầu và quy định ghi trong luật nhưng hệ thống quản lý không làm được.
"Doanh nghiệp nhà nước lời ăn, lỗ nhà nước chịu, rủi ro càng không phải vấn đề với chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Với cơ quan giám sát và thông thường chúng ta cứ nói cả hệ thống chính trị vào cuộc giám sát doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng chính vì thế nên chẳng ai giám sát và chịu trách nhiệm cả", bà Lan chia sẻ.
Ở góc độ giải pháp, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng chúng ta giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng phải để doanh nghiệp tự do kinh doanh, sáng tạo.
“Tại Việt Nam thời gian qua, các ông chủ sở hữu doanh nghiệp là các Bộ "ôm" cả chức năng quản lý ngành đó vừa ra chính sách nên dung dưỡng cho sự lệch lạc và phát triển méo mó, không nhìn ra yếu kém của doanh nghiệp nhà nước mà khắc phục ngay từ đầu.
Chủ sở hữu doanh nghiệp phải nhìn thấy doanh nghiệp họ làm gì, chứ không chỉ nhìn qua báo cáo viết bằng giấy, chèn thêm ý kiến chủ quan vào. Chúng ta phải nhanh chóng ổn định hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước để họ sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực cho phát triển", ông Cung nói.