“Thời gian sửa điều kiện kinh doanh nhiều khi dài hơn tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp”
Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh thì nguy cơ tái xuất các giấy phép con vẫn hiện hữu.
Tại hội thảo báo cáo "Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018", ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM), đọc “nguyên con” điều 4, Nghị định 49 về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp mới ban hành mấy tháng nay và nói vui: “Tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp và cái tôi nói không phải là chuyện cười mà trong nghị định thưa quý vị”.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Chưa có sự “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh
11:02, 31/07/2018
VCCI: Phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành chứng khoán còn nhiều vấn đề
13:56, 30/07/2018
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải đi vào thực chất
05:35, 20/07/2018
Theo quy định này, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có tới 5 điều kiện: Có trụ sở ổn định trong thời gian 2 năm, phải có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người, có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định, có trang thông tin điện tử…
“Điều quan trọng là nghị định này mới ban hành trong giai đoạn cắt bỏ điều kiện kinh doanh, nhưng trong đó lại có điều kiện kinh doanh tiếp tục mọc trở lại”, ông Hiếu nói.
Một cách ví von, ông Hiếu nói rằng, người đi kinh doanh không nên… đọc hệ thống pháp luật trước khi kinh doanh vì “nếu anh chị đọc hệ thống pháp luật trước khi kinh doanh thì sẽ không còn niềm tin đi kinh doanh nữa?”
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Hiếu cho rằng, hiện tại, năng lực làm chính sách của cán bộ ở một số bộ đang… có vấn đề.
“Họ có thể thiếu hoàn toàn về phần kinh tế thị trường. Kỹ năng nhiều người giỏi nhất là copy ở các văn bản tương tự. Khi được giao nhiệm vụ, họ nói rằng, muốn quản lý cái này, để tránh phải suy nghĩ nhiều, thấy các bộ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thì bộ mình cũng cấp”- ông Hiếu lý giải thêm.
Với tình trạng cán bộ như trên, ông Hiếu cho rằng, giải pháp cho câu chuyện này không chỉ đặt vấn đề tinh giản biên chế, mà phải thay thế cán bộ. “Cùng đó là đào tạo cán bộ theo phương pháp mới. Đầu tư cho làm chính sách chính là đầu tư cho phát triển”, ông Hiếu nói.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành đang bộc lộ tính “phong trào, hô hào”, bởi nghe thì “rầm rộ”, nhưng thực tế… tốc độ quá chậm, chưa được một nửa yêu cầu.
Để minh chứng cụ thể cho những điều mình nói, ông Đức lấy ví dụ, Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí phát hiện “sai lè lè”, trái với Luật Đầu tư, Kinh doanh, thậm chí cả Hiến pháp, nhưng doanh nghiệp đấu tranh mãi, đến năm 2018 Bộ Công Thương mới chịu sửa đổi.
Ông Đức cũng chỉ ra, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, tới 8 năm trời “hãm hại” nhiều thương nhân trong ngành.
“Thế nhưng, nghị định dù đã được sửa đổi, trình hơn một năm nay, mà hiện không thấy tăm hơi. Như thế thì thời gian sửa sai, đôi khi còn cao hơn tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp.
Đúng là có khen, nhưng khen 1 mà trách 10”, ông Đức nói.
Về vấn đề giải pháp, dưới góc độ người làm chính sách, ông Hiếu dẫn kinh nghiệm “một đổi một” ở các nước.
“Tôi cho rằng, nếu Nhà nước muốn ban hành một điều kiện kinh doanh thì anh phải bỏ đi một điều kiện kinh doanh hiện hành. Với các điều kiện kinh doanh được ban hành, nếu ba năm mà cơ quan quản lý nhà nước không đánh giá được điều kiện kinh doanh thì điều kiện kinh doanh ấy mặc nhiên mất hiệu lực”, ông Hiếu nói và khẳng định “Đã đến lúc chúng ta không thể kêu gọi sự chủ động, tích cực, nhiệt tình… của các cán bộ, công chức hoạch định chính sách được nữa”, ông Hiếu nói.