Khơi thông vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không
Thời gian qua, hàng loạt các chính sách về hạ tầng hàng không đã được sửa đổi và cắt giảm. Đây được cho là “cú hích” lớn giúp khơi thông vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không.
Tại một buổi hội thảo về chủ đề hàng không diễn ra mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC tiết lộ: Tập đoàn FLC cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không.
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không
14:14, 30/07/2018
Hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đổ vào hạ tầng hàng không
15:01, 23/07/2018
Vì sao đầu tư hạ tầng hàng không “nở rộ”?
06:00, 10/05/2018
Hạ tầng hàng không hút nhà đầu tư
13:07, 05/04/2018
Vốn nội “vội vã”, vốn ngoại “nóng lòng”?
Tuy nhiên, ở góc độ chính sách, ông Quyết tỏ ra băn khoăn bởi doanh nghiệp của ông đã đầu tư vào lĩnh vực hãng hàng không rồi thì doanh nghiệp này có được phép đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không hay không, phía đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định hoàn toàn có thể. Bởi theo quy định mới, không cấm doanh nghiệp thành lập hãng hàng không không được đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không, đại diện này cho biết.
Sau khi được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định FLC đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho rằng, ngoài Bamboo Airways, doanh nghiệp này sẽ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực cảng hàng không trong thời gian tới.
Trước đó, trong đề xuất gửi tới Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình vào thời điểm đầu tháng 4/2018, Tập đoàn FLC muốn đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế hiện đại. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng cam kết kéo khách du lịch đến địa phương này bằng những đường bay kết nối các điểm du lịch trong và ngoài nước.
Cũng vào hồi tháng 4/2018, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã đề xuất đầu tư hạ tầng một số cảng hàng không. Một trong số đó phải kể đến đề xuất được tham gia thực hiện Dự án xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Cụ thể, IPP đề xuất xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh thứ hai tại Phú Quốc có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m, có thể đón được máy bay thế hệ mới như Boeing787, Airbus 350, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh mới - yếu tố then chốt giúp nâng công suất Sân bay Phú Quốc lên 25 triệu hành khách/năm, IPP muốn UBND tỉnh Kiên Giang tham gia góp một phần. IPP và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ góp số vốn còn lại (tỷ lệ góp vốn do Bộ Giao thông - Vận tải ấn định).
Ngoài công trình đường cất hạ cánh số 2, IPP còn muốn cùng ACV xây dựng Nhà ga hành khách T2 có công suất 10 triệu lượt hành khách/năm, chi phí đầu tư 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh nhà đầu tư IPP này phải kể đến đề xuất xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Binh của Tập đoàn FLC theo hình thức PPP.
Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chính đến năm 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Đường lớn đã rộng
Ngày 18/4/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định số 767/QĐ-BGTVT công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 ĐKKD, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT.
Quyết định nêu rõ, lĩnh vực hàng không được dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%; lĩnh vực đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%, đường thủy là 67,34%, hàng hải 65,08%; lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ (61,43%); kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm (61,74%)…
Nhiều chuyên gia nhận định với quyết định cắt giảm này thì hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giao thông đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng mức chủ sở hữu vốn điều lệ tại các hãng hàng không Việt từ 30% lên 49%.
Theo đánh giá, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến 49% vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng, giúp lĩnh vực hàng không Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư thế giới.
Nói như TS Lương Hoài Nam việc sửa đổi này dù là quay trở lại luật cũ, nhưng trong bối cảnh mới, thị trường hàng không đã khác trước thì vẫn rất đáng hoan nghênh, cần thiết. Khi nhà đầu tư ngoại đầu tư mạnh hơn đến lĩnh vực hàng không của Việt Nam thì người tiêu dùng, khách hàng của các hãng bay cũng là những người được hưởng lợi, bởi nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang đến Việt Nam những dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu, chưa được phát triển. Từ đó, theo ông, tính cạnh tranh thị trường hàng không sẽ cao hơn, cuối cùng người sử dụng dịch vụ sẽ được hưởng lợi.
“Chắc chắn việc tăng từ 30% lên 49% sẽ làm thị trường hàng không Việt sôi động hơn, với sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư ngoại. Luật sửa như vậy sẽ tốt cho ngành hàng không và người tiêu dùng”, ông Nam nói.