Đại dự án thua lỗ, vướng nhất hợp đồng EPC

NGUYỄN VIỆT 14/04/2019 11:22

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vướng mắc lớn nhất đối với 12 dự án thua lỗ ngành công thương là hợp đồng EPC và nếu còn bế tắc thì không thể bàn đến câu chuyện thoái vốn hay cổ phần hóa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thành báo cáo về những vướng mắc của tổng thầu EPC để báo cáo Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các bộ ngành liên quan đưa ra hướng xử lý.

p/PVTex là ví dụ thành công xử lý dứt điểm tranh chấp EPC kéo dài.

PVTex là ví dụ thành công xử lý dứt điểm tranh chấp EPC kéo dài.

Bài học từ PVTex

Nhưng vướng mắc tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương gặp khó khăn phức tạp mà nguyên nhân chính là các chủ đầu tư sơ hở trong đàm phán, triển khai các hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình là lỗi của ngành Công Thương. Hiện số nợ phải trả thuộc 12 đại dự án thua lỗ đã lên tới 55 nghìn tỷ đồng đang để lại những hệ lụy rất lớn.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra ví dụ về thành công của PVTex khi xử lý dứt điểm tranh chấp EPC đã kéo dài từ năm 2012 đến nay. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do khi đàm phán có nhiều nội dung không rõ ràng, nên các bên đã đưa nhau ra tòa Singapore.

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, PVTex và phía nhà thầu cuối cùng đã đi đến thống nhất phương án hòa giải theo hình thức phía PVTex sẽ không phải thanh toán cho phía nhà thầu với mốc cuối cùng 12 triệu USD và các chi phí khác, kết quả là đem về gần 23 triệu USD, so với phương án trước đây nếu xác định đưa ra kiện cáo thì phía nhà thầu sẽ đòi số tiền gấp vài lần.

Cho ý kiến về phương án xử lý dự án nhà máy PVTex, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bài toán giải quyết tranh chấp của PVTex là kinh nghiệm rất tốt cho các dự án khác.

Đối thoại không được thì... ra tòa

Không được thuận lợi như PVTex, việc đàm phán với nhà thầu Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) của TISCO vẫn gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, điều kiện tiên quyết từ phía nhà thầu Trung Quốc yêu cầu phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Do đó, hiện Tổng công ty Thép Việt Nam đang phải chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.

GS-TSKH Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, mấu chốt quan trọng nhất để xử lý tranh chấp với tổng thầu EPC chính là vấn đề thương thảo, khi ký kết hợp đồng đã không được Bộ Công thương nhắc tới, đây chính là hạn chế nếu không được chỉ ra sẽ không thể giải quyết được.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng cho biết, các dự án đều “nổi” lên một số vấn đề chung trong quá trình chuẩn bị đầu tư và quá trình triển khai đầu tư của các dự án này đều giống nhau.

 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã xử lý dứt điểm tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC tại Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ để không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD. 

Phân tích cụ thể, ông chỉ rõ: Thứ nhất, vai trò đại diện “chủ đầu tư” đã được giao cho những tổ chức có năng lực không phù hợp. Thứ hai, về phía cơ quan quản lý của chủ đầu tư là Bộ Công Thương còn thiếu trách nhiệm, có hiện tượng chạy theo phong trào “ghi điểm”, triển khai dự án đầu tư bằng mọi giá để “góp phần tăng trưởng”.

Đây là những lý do được TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, đã dẫn đến nhiều hạn chế và nhiều “kẽ hở”, từ việc phê duyệt báo cáo đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đấu thầu chọn nhà thầu, thương thảo/ký kết hợp đồng EPC, giám sát triển khai xây dựng, đến nghiệm thu dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Hòa Bình làm tổng thầu các dự án của Chính phủ Kuwait

    Hòa Bình làm tổng thầu các dự án của Chính phủ Kuwait

    08:00, 01/11/2018

  • TISCO dự tính khởi kiện tổng thầu Trung Quốc:p/Thà một lần đau...

    TISCO dự tính khởi kiện tổng thầu Trung Quốc: Thà một lần đau...

    15:52, 06/03/2018

  • Nội địa hóa nhìn từ tổng thầu Lilama

    Nội địa hóa nhìn từ tổng thầu Lilama

    06:55, 01/11/2015

Ở góc nhìn của nhà quản lý, phân tích từ trường hợp Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình “vướng mắc” với nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề xuất Đạm Ninh Bình nên khởi kiện, vì nếu Đạm Ninh Bình vừa không khởi kiện cũng không thanh toán tiền cho phía nhà thầu thì lại trở thành bên vi phạm nghĩa vụ. Khi nhà thầu đưa vụ việc này ra tòa và tòa yêu cầu phản tố, thì khi đó vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Quan điểm Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện cũng là ý kiến của Bộ Tư pháp.

Từng có thời điểm, nhiều lãnh đạo Vinachem lo ngại nếu khởi kiện sẽ làm “sứt mẻ” quan hệ với nhà thầu, đối tác… Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng đây là mối quan hệ kinh tế bình thường, hình thức xử lý văn minh nhất nếu không hòa giải được thì gửi lên cơ quan có thẩm quyền để đưa ra phán quyết cuối cùng.

NGUYỄN VIỆT