Vàng Phước Sơn vẫn "án binh bất động" sau tái cơ cấu

Nguyễn Hoàng 21/04/2019 11:15

Ngay sau khi được tái cơ cấu và bảo lãnh từ ngân hàng, Cty vàng Phước Sơn hoạt động trở lại một thời gian ngắn và đã trả hơn 344 tỉ đồng nợ thuế.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao Công ty lại ngừng hoạt động hơn 2 năm qua. 

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới đây, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh và yêu cầu làm rõ Công ty vàng Phước Sơn có tiếp tục khai thác như cam kết hay không, tránh để tình trạng nạn vàng tặc.

p/Lễ tái khởi động mỏ vàng Đắk Sa sau khi tái cơ cấu

Lễ tái khởi động mỏ vàng Đắk Sa sau khi tái cơ cấu

Sau tái cơ cấu là dừng hoạt động

Như DĐDN đã thông tin, tháng 7/2014, Tập đoàn Besra (Canada - chủ đầu tư dự án) tại hai mỏ vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu (Huyện Phú Ninh) và Đắk Sa (Phước Sơn) Quảng Nam tuyên bố vỡ nợ, ngừng hoạt động sau nhiều thập niên hoạt động thăm dò và khai thác được hàng chục tấn vàng và kim loại quý hiếm.

Công ty khai thác vàng Bồng Miêu hết hạn khai thác đã phải ngừng hoạt động. Chỉ duy nhất mỏ vàng Đắk Sa còn thời hạn nhưng nợ thuế hàng trăm tỷ đồng. Đến tháng 7-2015, được cơ quan chức năng cho phép, Công ty vàng Phước Sơn đã hợp tác với Công ty CP Vàng VACO, VietABank triển khai đề án tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp để phục hồi hoạt động sản xuất.

Điều đáng quan tâm là hơn 10 năm khai thác hàng chục tấn vàng và kim loại quý khác, hai công ty khai thác vàng này đã để lại đồng nợ thuế nhà nước hàng trăm tỷ đồng và nợ các đối tác và người dân địa phương lên đến hơn 140 người với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng và môi trường chưa được khắc phục hoàn thổ như đã cam kết của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu. Đến nay, Công ty vàng Phước Sơn còn nợ hơn 140 chủ nợ khác. Bên cạnh một số chủ nợ lớn như VietABank 4,5 triệu USD, Công ty CP Tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam khoảng 19 tỉ đồng, Công ty Quảng An khoảng 17 tỉ đồng... Công ty vàng Phước Sơn còn nợ nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền từ vài chục triệu đồng đến vài tỉ đồng.

Ngay sau khi tái cơ cấu và cam kết trả nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng với tỉnh Quảng Nam, đến tháng 8/2016, Công ty vàng Phước Sơn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 4 tháng, đến ngày 10/12/2016 Công ty này đã có văn bản thông báo tạm ngừng hoạt động do “khó khăn về nguồn vốn”.

Ngừng hoạt động vẫn xin mở rộng thăm dò

Đến nay, đã gần 3 năm, kể từ khi công ty thông báo ngừng hoạt động, việc quản lý khu vực mỏ vàng Đăk Sa được giao cho chính quyền huyện Phước Sơn gặp nhiều khó khăn. Dù doanh nghiệp có lực lượng bảo vệ nhưng do quản lý lỏng lẻo nên tình trạng người dân ở các địa phương khác kéo đến khai thác vàng trái phép, phá rừng diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều hệ lụy. Mỗi năm, UBND huyện đã phải trích khoản kinh phí khá lớn để đi truy quét nhưng hiệu quả không cao.

Theo báo cáo của ông Hà tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, trước đó Công ty vàng Phước Sơn xin Bộ Tài nguyên và Môi trường được mở rộng thăm dò trữ lượng vàng trong diện tích 28 km2 nằm trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nhưng bộ chưa chấp thuận.

  Hai công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã đào và khai thác tại Quảng Nam hàng chục tấn vàng và kim loại quý hiếm. Thế nhưng vẫn nợ tiền thuế và báo lỗ hàng chục triệu USD.

“Theo quan điểm của lãnh đạo huyện, việc mở rộng thăm dò, UBND huyện đã có 2 văn bản gửi cơ quan chức năng của tỉnh không đồng ý cho phép mở rộng thăm dò, khai thác trên diện tích lớn như vậy. Quan điểm của huyện là đề nghị giữ nguyên diện tích thăm dò, khai thác trong vòng 7 ha như hiện nay” – ông Hà khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Vàng Bồng Miêu phá sản với số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    Vàng Bồng Miêu phá sản với số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    18:31, 30/11/2018

  • Công ty vàng Bồng Miêu chính thức phá sản, để lại số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    Công ty vàng Bồng Miêu chính thức phá sản, để lại số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    15:07, 28/11/2018

  • Không xem xét cấp lại giấy phép cho công ty vàng Bồng Miêu

    Không xem xét cấp lại giấy phép cho công ty vàng Bồng Miêu

    21:55, 09/05/2017

Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao Công ty vàng Phước Sơn thua lỗ lớn và ngừng hoạt động thời gian dài nhưng vẫn xin phép mở rộng thăm dò trên diện tích lớn như vậy?

Ông Hà cho biết chỉ nắm được thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) – chủ nợ và cũng là đơn vị bỏ tiền ra để tái cơ cấu công ty và có ý định mua lại cổ phần của Tập đoàn Besra nhưng giữa các cổ đông chưa thống nhất với nhau. "Đây chỉ là thông tin lãnh đạo huyện nắm được nhưng chưa biết thực hư thế nào" - ông Hà nói.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng bản thân chưa nắm rõ thông tin cụ thể. Nhưng theo phía công ty cho biết thì hiện nay họ đang làm các thủ tục chuyển nhượng cổ phần của nội bộ bên trong để đảm bảo có sự điều hành thống nhất và tổ chức khai thác trở lại. Ông Thanh cho biết thêm, do ảnh hưởng đến rừng tự nhiên nên việc Cty vàng Phước Sơn xin được cấp phép mở rộng thăm dò vàng không được chấp thuận.

Đáng quan tâm là việc khai thác vàng sau khi đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đến nay vẫn chưa hoàn thổ như đã cam kết, đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng đã từng nói: tài nguyên khoáng sản khi khai thác sẽ mất đi không bao giờ tái sinh. Vì vậy, việc cho phép khai thác khoáng sản quý hiếm như kim loại vàng cần phải hết sức thận trọng.

Nguyễn Hoàng