Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang là vi phạm cam kết WTO?

Huyền Trang 21/09/2019 06:00

TS Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội khẳng định, việc Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang có thể sẽ vi phạm nguyên tắc minh bạch hóa trong các cam kết của WTO.

Ngày 31/08/2019, bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) đã ban hành Thông báo số 15/2015-2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). 

Cụ thể, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Theo nội dung thông báo trên, việc nhập khẩu hương nhang phải xin phép và được một Ủy ban liên Bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng.

Đáng chú ý, thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Cho đến nay, Bộ Công Thương Ấn Độ vẫn chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng như thời gian cấp phép.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội.

TS Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội.

- Thưa ông, đây có phải biện pháp phòng vệ thương mại mà Ấn Độ áp dụng với Việt Nam?

Theo các thông tin được công bố trên The Economic Times của Ấn Độ, Bộ Công Thương của nước này đã điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang từ trạng thái “nhập khẩu tự do” sang “nhập khẩu hạn chế”. Ngoài việc phải xin giấy phép nhập khẩu từ một Ủy ban liên Bộ trên cơ sở từng lô hàng, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này cũng sẽ tăng lên. Cần lưu ý là thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (mã HS 33074100) theo cam kết của Ấn Độ trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ được duy trì ở mức 5% từ ngày 01/01/2016 và đối với các chế phẩm khác (mã HS 33074900) là 0% kể từ ngày 31/12/2013. Cả hai mặt hàng này thuế suất nhập khẩu hiện tại được áp dụng ở mức 10%.

Các biện pháp mới được Ấn Độ áp dụng đối với nhang hương và các chế phẩm khác xuất phát từ những lo ngại về sự gia tăng lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Điều này cho thấy Ấn Độ đã dựng lên rào cản thương mại để bảo hộ ngành sản xuất nhang hương ở trong nước.

Các thông tin do Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ cung cấp không cho thấy các biện pháp hạn chế nhập khẩu nêu trên là kết quả của một cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Đồng thời, thông báo mới nhất của Ấn Độ tới Ủy ban Tự vệ của WTO (tài liệu G/SG/N/6/IND/45) chưa cho thấy Ấn Độ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hương nhang và chế phẩm có liên quan. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để kết luận biện pháp mà Ấn Độ áp dụng là một biện pháp phòng vệ thương mại.

- Các biện pháp nêu trên có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành, không tạo ra một khoảng thời gian phù hợp để các nhà nhập khẩu Ấn Độ hay các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thích nghi với quy định mới, liệu có vi phạm nguyên tắc minh bạch hóa của WTO được quy định tại Điều 10 của Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại, thưa ông?

Như đã trình bày ở trên, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) đang có hiệu lực và được các bên thực thi. Điều 4 của Hiệp định Thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ quy định yêu cầu mỗi bên tham gia hiệp định phải tự do hóa dần dần, khi phù hợp, với mức thuế MFN áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ của các bên khác theo Biểu cam kết thuế của mỗi bên. Tuy nhiên, theo Điều 10, một bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ AIFTA trong thời gian quá độ kết thúc sau 5 năm kể từ ngày hoàn thành việc loại bỏ/cắt giảm thuế đối với mặt hàng đó.

Do đó, nếu Bộ Công Thương Ấn Độ coi việc áp dụng biện pháp hạn chế đối với nhập khẩu hương nhang từ Việt Nam là một biện pháp tự vệ theo Điều 10.2 của Hiệp định Thương mại hàng hóa, biện pháp đó chỉ hợp pháp đối với sản phẩm hương nhang, mà không hợp pháp đối với các chế phẩm khác (vì với sản phẩm này, thuế suất đã cắt giảm về 0% kể từ ngày 31/12/2013, nên thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ cho giai đoạn quá độ đã kết thúc từ ngày 31/12/2018).

Đối với mặt hàng hương nhang, trong trường hợp này, các biện pháp được sử dụng là phù hợp với Điều 10.4 của Hiệp định Thương mại hàng hóa nếu Ấn Độ tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của Điều 10 của Hiệp định này cũng như của Hiệp định Tự vệ của WTO. Nếu các thủ tục áp dụng biện pháp tự vệ không được tuân thủ, Ấn Độ có thể sẽ bị coi là vi phạm các quy định nêu trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang: Doanh nghiệp Việt trở tay không kịp

    03:30, 17/09/2019

  • Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang: Doanh nghiệp Việt bị đẩy vào thế khó

    17:17, 16/09/2019

- Theo ông, doanh nghiệp Việt nên làm gì để có thể bảo vệ mình?

Quy định mới được áp dụng ngay từ thời điểm ban hành, không có độ trễ về mặt thời gian, nên các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính. Do đó, từ góc độ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, họ cần có những đề nghị chính thức để Chính phủ vào cuộc nhằm đàm phán và làm rõ vấn đề với Chính phủ Ấn Độ. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó, cũng là bài học mà các doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang của Việt Nam cần lưu ý.

- Theo ông, trong trường hợp này, Việt Nam nên làm gì để có thể bảo vệ doanh nghiệp Việt, thưa ông?

Trong trường hợp các biện pháp mà Ấn Độ áp dụng vi phạm quy định của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ cũng như vi phạm các quy định của WTO, Việt Nam có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp có liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp nêu trên đều có độ trễ về mặt thời gian, từ đó, mức độ thiệt hại mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lên, nên Chính phủ cần sớm tiến hành các phiên thảo luận, tham vấn, đàm phán với Chính phủ Ấn Độ để có thể tìm được tiếng nói chung và giải quyết tốt vấn đề.

- Xin cảm ơn ông!

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Huyền Trang