Triệt hạ rừng để làm dự án
Tràn lan dự án triển khai trên đất lâm nghiệp ở Nghệ An khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng khiến hàng nghìn ha đất rừng bị “xóa sổ” một cách vô tội vạ.
Thực trạng này khiến cho hệ sinh thái rừng bị đảo lộn, môi trường tự nhiên biến đổi kéo theo thảm họa thiên tai ập xuống bất cứ lúc nào trong khi địa phương vẫn loay hoay tìm cách tháo gỡ.
“Cầm đèn chạy trước ô tô”
Chỉ tính riêng năm 2017, Nghệ An đã rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng phê duyệt cho phép chuyển đổi 9.883,605 ha đất có rừng tự nhiên để triển khai 31 dự án đầu tư xây dựng. Riêng diện tích rừng tự nhiên có 1.445,605 ha được Nghệ An lập danh sách chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ mặt bằng 27 dự án thuộc 6 nhóm như An ninh - quốc phòng, 7 nhóm kinh tế - xã hội, 14 nhóm phúc lợi xã hội.
Đến năm 2018, Nghệ An tiếp tục lập danh sách báo cáo Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng phê duyệt, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác 767,094ha để phục vụ mặt bằng 36 dự án.
Đây là số diện tích đất rừng tự nhiên được UBND tỉnh Nghệ An báo cáo Bộ NN&PTNT trong năm 2017 và năm 2018 trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu cho thấy, nhiều dự án đã được tỉnh Nghệ An “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư triển khai thi công xây dựng trên phần diện tích đất rừng tự nhiên khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Đơn cử, tại dự án thủy điện Tiền Phong thuộc địa bàn huyện Quế Phong quy mô dự án rộng 8,5ha, trong đó có 2,47ha rừng đặc dụng, 1,81ha rừng phòng hộ và 4,22ha rừng sản xuất nằm trong danh sách mà UBND tỉnh Nghệ An lập hồ sơ báo cáo Bộ NN&PTNT trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ tháng 12/2018.
Đáng quan tâm là toàn bộ diện tích đất rừng tự nhiên nói trên chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển đổi nhưng Sở Công Thương tỉnh này vẫn phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư. Thực trạng này đã vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu… khởi công từ tháng 5/2010 có quy mô 3.396,00ha trong đó diện tích đất rừng tự nhiên 102,05ha; 1.045,80 ha rừng trồng; 162,40ha rừng phòng hộ; 985,90ha rừng sản xuất.
Toàn bộ phần diện tích đất rừng tự nhiên ảnh hưởng bởi dự án công trình hồ chưa nước Bản Mồng chưa được chấp thuận chuyển đổi theo Luật Lâm nghiệp nhưng từ nhiều năm trước, công trình hàng nghìn tỷ đồng này đã thi công rầm rộ.
Thực trạng diện tích đất rừng tự nhiên chưa được chấp thuận, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã cho phép chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công diễn ra tràn lan ở các dự án nói trên.
Có thể bạn quan tâm
Lũ, biệt phủ và phá rừng
06:00, 23/07/2018
Xử lý nghiêm vụ phá rừng ở Bắc Kạn
20:26, 05/06/2018
Phó Thủ tướng chấn chỉnh tình trạng phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép
09:26, 04/05/2018
Phá rừng đặc dụng để thi công Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.
15:48, 30/01/2018
Có vi phạm Luật?
Để triển khai các dự án đầu tư xây dựng, Nghệ An đã tiến hành rà soát, lập quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đối với hàng nghìn ha đất lâm nghiệp. Đây cũng là việc làm cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Cùng với đó, các công trình thủy điện, thủy lợi, đường giao thông, cơ sở hạ tầng điện-đường -trường-trạm… đã nhanh chóng “mọc lên” trên phần diện tích đất lâm nghiệp. Hàng nghìn ha đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất đã nhanh chóng được “xóa sổ” để làm dự án.
Vậy nhưng, có một thực tế rất dễ nhận thấy ở Nghệ An là địa phương đã cho triển khai dự án trên phần diện tích đất rừng nhưng chưa được sự chấp thuận, cho phép của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, ngay trong năm 2017 và 2018, Nghệ An đã có 02 văn bản tổng hợp danh mục dự án, số lượng diện tích rừng tự nhiên cần chuyển đổi nói trên gửi Bộ NN&PTNT để xem xét, trình Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan phê duyệt. Vậy nhưng, ngay cả 02 văn bản báo cáo chưa được Thủ tướng chấp thuận cho phép chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác nhưng tỉnh Nghệ An vẫn “bật đèn xanh” cho các dự án đầu tư xây dựng được triển khai thi công.
Qua trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT vào ngày 12/11/2019 thì được biết, số liệu diện tích được tỉnh Nghệ An báo cáo Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức về việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục dự án xây dựng trên đất lâm nghiệp ở Nghệ An đã được triển khai, thi công xây dựng trong những năm qua vẫn chưa thực hiện xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thực trạng này cũng khiến nhiều doanh nghiệp đang là chủ đầu tư các hạng mục công trình, mỏ khai thác khoáng sản… vào thế khó khi thủ tục về chuyển đổi đất rừng nhiều năm liên tục chưa được hoàn tất. Trong khi đó, kinh phí doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư máy móc, nhân công không phải là nhỏ khi thủ tục chuyển đổi đất rừng của họ chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Chưa kể, tình trạng quy hoạch, khoanh vùng đất rừng thiếu thực tế, chưa khoa học từ cơ quan chức năng cũng đang “hành” chủ đầu tư đủ đường.
Như vậy, với cách triển khai quy trình ngược khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trên đất lâm nghiệp ở Nghệ An không chỉ gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên mà còn đẩy doanh nghiệp vào thế khó khi sự việc đã rồi.