Nhà nước thu phí hòa giải, đối thoại trong trường hợp nào?
Đây là một trong những nội dung còn nhiều tranh cãi tại Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này.
Sáng 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Dự thảo Luật quy định Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao.
Về vấn đề này, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Nhà nước nên thu một khoản phí để bù lắp chi phí tổ chức hòa giải, đối thoại, chi phí chi trả cho hòa giải viên… Theo đại biểu, việc làm như vậy, để mọi người có ý thức cân nhắc khi nộp đơn hòa giải, đối thoại.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng cần thiết thu phí đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ mức thu ngay trong dự thảo luật sao cho phù hợp.
Đối với quy định về bổ nhiệm lại hòa giải viên, dựu thảo Luật quy định hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ được xem xét, bổ nhiệm lại, trừ những trường hợp sau đây không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ; thuộc 10% Hòa giải viên mà trong 02 năm Hòa giải viên đó có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất so với các Hòa giải viên khác tại nơi họ làm việc, cần được thay thế.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng cơ chế, tiêu chí về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên còn chung chung, chưa được quy định rõ trong luật. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo luật cho phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý sôi nổi, thẳng thắn và cụ thể của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật. Đối với những đại biểu chưa kịp phát biểu ý kiến tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu gửi văn bản góp ý để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp. Đối với các nội dung góp ý về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành; các nội dung liên quan đến hòa giải viên; vấn đề bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có bố cục gồm 04 Chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. |