Doanh nghiệp sắp “nhàn” vì bảo lãnh thông quan
Sau hơn 1 năm rưỡi xây dựng và lấy ý kiến, đến nay, Đề án “Bảo hiểm Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Tổng cục Hải quan xây dựng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Để tạo hành lang pháp lý triển khai bảo lãnh thông quan tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang đề xuất trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về bảo hiểm bảo lãnh thông quan.
Theo Bộ Tài chính, việc triển khai áp dụng bảo hiểm bảo lãnh thông quan cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ đồng thời củng cố hoạt động thu thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.
Bởi vì theo quy định này, các nghĩa vụ về thuế và các khoản phải nộp khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thực hiện với cơ quan Hải quan thay cho người được bảo lãnh khi người được bảo lãnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan. Trên cơ sở bảo lãnh đó, cơ quan Hải quan cho thông quan hoặc giải phóng hàng hóa ngay.
Nhưng vì là hoạt động nghiệp vụ mới nên việc triển khai được đề xuất chia thành nhiều giai đoạn: thí điểm, mở rộng và chính thức.
Theo đánh giá của chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, cơ chế bảo hiểm bảo lãnh thông quan sẽ giúp giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý nhà nước, giúp giảm chi phí bằng 0,1-0,5% trị giá lô hàng; giảm thời gian thông quan hàng hóa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp (phần giảm chi phí bằng 0,5-0,8% trị giá lô hàng); cơ chế này giúp tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu (tăng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Đặc biệt, áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để cơ chế này được triển khai thành công thì tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm phải đảm bảo phù hợp với thực tế công tác và năng lực quản lý hải quan, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động XNK của doanh nghiệp.