GÓC NHÌN PHÁP LUẬT ĐA CHIỀU: Chính sách giật cục và nỗi lòng doanh nghiệp

ĐỖ HUYỀN 09/08/2020 08:10

Dù gỗ ghép thanh đã được tạm xuất khẩu với mức thuế 0% thay vì 25%, nhưng đáng buồn đây không phải tiền lệ duy nhất về sự "hụt hơi" của doanh nghiệp khi chính sách thay đổi chóng mặt.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin thời gian qua Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có kêu cứu lên Bộ NN&PTNT, Tài Chính, Công Thương, khi hàng ván gỗ ghép thanh bị Hải quan áp thuế từ 0% lên tới 25%, đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản. Nhiều lô hàng đang bị ùn ứ tại cảng, bị đối tác nước ngoài phạt do chậm giao hàng. 

Xem chi tiếtTẠI ĐÂY

Chỉ vì bị áp là hàng “sơ chế” thay vì chế biến, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ghép thanh đang gặp nhiều khó khăn, bởi chấp nhận nộp thuế theo đúng mã hàng mới thì hầu như không có lãi, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là đóng cửa.

Sản xuất gỗ ép thanh tại Công ty Hoàng Thông, một trong những doanh nghiệp gỗ ép thanh lớn nhất cả nước.

Gỗ ghép thanh nỗ lực "kêu cứu"

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Vifores cho biết: Lâu nay, gỗ ghép thanh vẫn xuất khẩu với thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên từ ngày 24/6/2020, Tổng cục Hải quan đã bất ngờ có thông báo về việc áp dụng mức thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ ghép thanh lên mức 25% khiến chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi gõ cửa “cầu cứu” khắp nơi, không còn thời gian làm được việc gì khác”, ông Ngô Sỹ Hoài bức xúc.

Trước thay đổi chính sách cuả ngành Hải quan, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thắng thắn: “Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh chỉ mong có lãi 5% hay 3% đã là tốt rồi. Bây giờ chúng ta đùng một cái là áp thuế từ 0% nên 25% không lẽ là trước đây là chúng ta áp sai mã HS cho doanh nghiệp sao?”.

Mà rõ ràng, "ông" làm chính sách sai, sao ông bắt doanh nghiệp phải gánh cái sai đó của mình - phải chăng "quýt làm cam chịu"?

Xem chi tiếtTẠI ĐÂY

Là người theo dõi diễn biến vụ việc, trả lời báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Điều doanh nghiệp ngại nhất, sợ nhất là việc hồi tố nếu cơ quan hải quan áp thuế sau này. "Nhiều doanh nghiệp kêu với chúng tôi rằng, trong suốt từ 4 đến 5 năm chúng ta áp một mã 0% và việc áp mã do chính cơ quan hải quan thực hiện nhưng chỉ cần một ngày đẹp trời người ta thay đổi mã HS. Nhưng đáng sợ hơn cả là mã HS mới không chỉ áp không áp trong thời điểm mới mà lại hồi tố cho cả giai đoạn trước đó nên tạo ra rủi ro quá lớn cho doanh nghiệp. Bởi với doanh nghiệp, trong quá trình kinh doanh thuế được tính vào giá bán, vào doanh thu và doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính mà giờ hồi tố lại thì hoàn toàn có thể đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, ông Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Nhưng không chỉ có doanh nghiệp gỗ ghép thanh!

Doanh nghiệp thép không gỉ đứng ngồi không yên

Cũng giống như doanh nghiệp gỗ ép, doanh nghiệp thép không gỉ Việt Nam có nguy cơ phải “khai tử" dây chuyền sản xuất bởi rào cản từ thông tư mới, khi áp dụng quy chuẩn QCVN20.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xây dựng Quy chuẩn cho thép không gỉ QCVN20:2019/BKHCN “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ” (QCVN 20) được ban hành theo Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN ngày 05/12/2019, có hiệu lực từ ngày 01/6/2020.

Trước thông tư mới này, nhiều doanh nghiệp thép không gỉ đã lên tiếng. Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổng Giám đốc Tập đoàn Inox Hoàng Vũ (xin được giấu tên) cho biết, thông tư QCVN20 đưa ra nhằm nâng cao tiêu chuẩn sản xuất thép không gỉ trong nước, nhưng vô tình có thể trở thành “bản án” khai tử một số doanh nghiệp sản xuất loại mặt hàng này.

Thép không gỉ

Các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường 

Cũng theo đại diện Tổng Giám đốc Tập đoàn Inox Hoàng Vũ, thép không gỉ là loại mặt hàng nguyên liệu, vật liệu dùng để sản xuất ra rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở đang chiếm phần lớn tỷ trọng của toàn thị trường nhờ giá thành phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn tuỳ từng môi trường ứng dụng.

Đáng nói, trước những kiến nghị của doanh nghiệp, trên Cổng thông tin Điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) có thông tin về việc đề xuất lùi thời hạn áp dụng thông tư 15/2019/TT-BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN20 đến ngày 1/1/2022. Tuy nhiên đến nay, theo nhiều doanh nghiệp thép không gỉ phản ánh, văn bản chính thức về việc này vẫn chưa được công bố.

Xem chi tiếtTẠI ĐÂY

TẠI ĐÂY

Đây chỉ là hai vụ việc mới nhất và chưa có hồi kết, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, "được vạ thì má cũng sưng".

Vĩ thanh

Còn nhớ, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân khi Thủ tướng tham dự và chỉ đạo, ông Trương Đình Tuyển với tư cách là thành viên đoàn đàm phán gia nhập WTO cũng phát biểu: với chính sách như thế này "Tôi là doanh nghiệp, tôi cũng "tranh thủ"".

Ông Tuyển lý giải, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân trong nước thường kinh doanh theo kiểu cơ hội, mang tính chụp giật, thiếu tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Tuy vậy, theo ông, yếu kém này không phải chỉ là lỗi của doanh nghiệp mà một phần lỗi do thể chế, do sự thay đổi thường xuyên của chính sách. Vì chính sách không ổn định nên các doanh nghiệp khó có thể đưa ra được chiến lược kinh doanh dài hạn. Chính sách hôm nay thế này không biết ngày mai sẽ thay đổi ra sao.

"Làm sao đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn khi không biết trước ngày mai như thế nào? Cho nên người ta phải tranh thủ. Tôi ở trong trường hợp ấy, tôi cũng phải tranh thủ", ông Tuyển chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Điều đáng ngại là "doanh nghiệp chỉ lo chính sách thay đổi thì làm sao làm ăn lớn, làm sao "phổng phao" được, làm sao cạnh tranh được?

Nhưng điều đáng ngại hơn, điều hành chính sách “giật cục” sẽ làm giảm lòng tin của doanh nghiệp và người dân vào chính sách vĩ mô cũng như cách điều hành chính sách. Khi lòng tin suy giảm, chẳng thể nói đến gì khác, dù là kinh doanh hay cạnh tranh.

ĐỖ HUYỀN