Đối thoại “gỡ vướng” cho doanh nghiệp
Nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động tích cực đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại… trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022”.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công, Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022” là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế - hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.
Đặc biệt, thông qua Hội nghị này, Bộ Tài chính đã có những nỗ lực cải cách mang lại những kết quả quan trọng và tác động tích cực đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Phạm Tấn Công cho rằng, vào thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng sau nhiều nước trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, đến nay ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, bền bỉ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
“Qua đó từng bước nâng cao thứ hạng của ngành trong xếp hạng quốc tế và đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.
Thực tế, cho đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính đã triển khai là 813. Trong đó, DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan Tài chính và nhận được sự đánh giá cao.
Tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện
Bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi, thực tế, tại Hội nghị không ít ý kiến vẫn cho rằng, doanh nghiệp vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức, đe dọa ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển như vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng của nghiệp vụ LC đối với ngân hàng; xây dựng công cụ giúp doanh nghiệp truy xuất về hoá đơn thuế; hoàn thuế GTGT;…
Trước thực tế đã nêu, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Cao Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới Bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành, đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt, là cải cách trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, về phía cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan, qua hội nghị hôm nay, cũng như trong thời gian tới, Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.n