Cấp bằng "độc quyền sáng chế" một sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp

Ngọc Thái 05/05/2018 17:28

Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức công nhận cấp bằng độc quyền sáng chế ke chống bão, nhãn hiệu ĐN của Công ty TNHH sản xuất Tôn và Sắt thép.

Nhưng sau đó chính cơ quan có thẩm quyền này lại tiếp tục “nhân bản” cho nhiều doanh nghiệp khác với cùng một loại sản phẩm. Thiết bị ke chống bão của Công ty TNHH sản xuất Tôn và Sắt thép (Cty Tôn và Sắt thép) có địa chỉ tại xóm 18C, xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An đang bị mất bản quyền bởi những quyết định khó hiểu từ cơ quan có thẩm quyền.

p/Sản phẩm ke chống bão mang nhãn hiệu ĐN của Cty Tôn và Sắt thép đang bị “ăn theo” nhan nhản trên thị trường

Sản phẩm ke chống bão mang nhãn hiệu ĐN của Cty Tôn và Sắt thép đang bị “ăn theo” nhan nhản trên thị trường

Độc quyền kiểu dáng được “nhân bản” tràn lan

Trước khi sản phẩm ke chống bão ĐN của Cty Tôn và Sắt thép được thị trường công nhận, ngày 28/11/2007 doanh nghiệp này đã có hồ sơ đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền. Nhưng phải đến năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ mới cấp văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 12406 và 12708 cho Cty Tôn và Sắt thép.
Theo phản ánh của Cty Tôn và Sắt thép gửi các cơ quan chức năng thì trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã phát hiện ở một số tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước có rất nhiều sản phẩm cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Cụ thể, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 22869 của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Xâm ở Đà Nẵng; bằng kiểu dáng công nghiệp số 23751 của Cty MTV Bắc Hà ở Thanh Oai – Hà Nội; bằng kiểu dáng công nghiệp số 24024 của Cty CP sản xuất và thương mại ZAKE Việt ở Quận Long Biên – Hà Nội; bằng kiểu dáng công nghiệp số 19773 đối với ke chống bão nhãn hiệu Hải Đăng của một đơn vị tư nhân ở Thanh Oai – Hà Nội…

p/Cùng một mẫu gửi đi giám định nhưng Viện khoa học Sở hứu trí tuệ lại “phán” 2 kết luận khác nhau.

Cùng một mẫu gửi đi giám định nhưng Viện khoa học Sở hứu trí tuệ lại “phán” 2 kết luận khác nhau.

Đặc biệt, đáng chú ý là sản phẩm ke chống bão của một số nhãn hiệu nói trên đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì, sau một thời gian bị nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ trên thị trường thì các sản phẩm được cho là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lại được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?

Ông Nguyễn Tiến Định – Giám đốc Cty Tôn và Sắt thép cho biết: Từ năm 2007, doanh nghiệp chúng tôi đã phát minh, sáng chế ra sản phẩm ke chống bão để hoàn thiện các thủ tục theo quy định rồi đến năm 2015 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế và độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chúng tôi đương nhiên được sở hữu độc quyền đối với sản phẩm ke chống bão trên thị trường.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao, thời gian qua Cục Sở hữu trí tuệ lại tiếp tục “nhân bản” các sản phẩm cùng chủng loại ke chống bão như của doanh nghiệp chúng tôi đang sở hữu cho nhiều tổ chức, cá nhân khác nữa?

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Đại diện Cty Tôn và Sắt thép cho rằng, với cùng một sản phẩm, mẫu mã, kích thước, kiểu dáng mang nhãn hiệu ke chống bão của các cá nhân, tổ chức nhưng Cục Sở hữu trí tuệ lại công nhận trái ngược nhau.
Đơn cử, trong năm 2013, Cty Tôn và Sắt thép gửi mẫu ke chống bão ZACS để trưng cầu giám định và được Viện khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận số KD 020-13 ngày 22/5/2013 cho rằng: “Hình dáng ke chống bão của Tập đoàn ZACS STEEL Việt Nam thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “ke chống bão” đang được bảo hộ theo phương án 2 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp 12406”.

Có nghĩa là kiểu dáng ke chống bão ZACS đã “ăn theo” mẫu mã sản phẩm của ke chống bão ĐN đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của Cty Tôn và Sắt thép.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, cùng với 1 loại mẫu vật ke chống bão ZACS được đưa đi giám định thì Viện khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) lại phủ nhận hoàn toàn ngược lại với văn bản kết luận năm 2013?!.

Viện khoa học Sở hữu trí tuệ cho rằng, kiểu dáng ke chống bão ZACS “không đủ căn cứ để khẳng định hình dáng bên ngoài của ke chống bão ZACS là yếu tố xâm phạm đối với ke chống bão được bảo hộ tại văn bằng ĐQKD 12406”?

Cty Tôn và Sắt thép cho rằng, cùng một mẫu vật gửi đi giám định và cùng một giám định viên là ông Phạm Đình Chướng thực hiện, ông Nguyễn Hữu Cẩn là Phó Viện trưởng Viện khoa học Sở hữu trí tuệ ký duyệt nhưng văn bản 2013 và 2018 lại đối nghịch nhau về mặt bản chất cũng như nội dung.

Với cách làm trái ngược này của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ thì chẳng khác gì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Và, kể từ đó đến nay, phía Cty Tôn và Sắt thép đã nhiều lần gửi các văn bản kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền đề nghị được làm rõ nhưng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Ngọc Thái