Người phát ngôn Chính phủ nói gì về dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia?

Thy Hằng 31/05/2019 20:15

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, liên quan dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia, đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, vì phải thông tin hai chiều.

Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 31/5 về việc liệu dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có phải là bước lùi khi đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu bia, và có hay không vấn đề lợi ích nhóm đứng sau, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận, đây là vấn đề xã hội rất quan tâm.

dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia

Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia được cho là "yếu đi" sau mỗi lần chỉnh sửa.

Theo đó, khi luật trình Quốc hội, Thủ tướng đều có chỉ đạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu đánh giá tác động kỹ càng.

Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, dự luật này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu bia gây ra, điển hình là các vụ tai nạn giao thông.

Lý giải việc dự luật đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu, bia như cấm bán rượu, bia trên Internet, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan. Ví dụ, phải thấy được xu hướng thương mại điện tử của thế giới như thế nào.

“Đưa ra quy định phải tính cho khả thi để thực hiện, với việc có thể tác động đến cuộc sống thì phải lường trước được vấn đề”, ông Dũng nói. Đặc biệt, người phát ngôn Chính phủ cho rằng, đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, vì phải thông tin hai chiều.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Còn nhiều quan điểm khác nhau

    18:36, 23/05/2019

  • Mục tiêu cuối cùng của dự án luật phải là "phòng chống tác hại của rượu, bia"

    13:00, 23/05/2019

  • Cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet: Liệu có khả thi?

    11:01, 14/04/2019

  • Còn nhiều ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

    16:36, 09/04/2019

Trước đó, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia trình ở kỳ họp thứ 6 trước đó có phần toàn diện hơn dự thảo lần này.

“Tôi không hiểu vì sao, sau nhiều hội thảo lấy ý kiến, dự luật đã mất đi tinh thần cứng rắn của các điều khoản liên quan đến biện pháp phòng chống tác hại rượu bia. Các căn cứ, cơ sở xây dựng luật dần xa rời với tình hình thực tiễn, các điều khoản, chế tài có tính răn đe, ngăn ngừa tác hại của rượu bia cứ yếu dần đi”, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho biết.

Cùng với đó, mục tiêu cuối cùng của dự luật là phòng chống tác hại rượu bia nhưng những giải pháp mang tính ngăn chặn như quy định về cấm quảng cáo, bán rượu bia trên Internet, hạn chế quảng cáo rượu bia trên báo in... để không phổ biến loại đồ uống này đã bị đưa ra khỏi dự thảo.

“Thay vào đó, tôi thấy lại bổ sung quy định cho phép quảng cáo rượu bia trên truyền hình. Với cách tiếp cận bảo vệ các nhóm quyền trẻ em có liên quan đến luật này, tôi thấy rất lo lắng”, Đại biểu Phạm Minh Hiền lo lắng.

Thy Hằng