Từ hoa trái bên đường đến cánh rừng phía trước
LTS: Khi có một môi trường quản trị quốc gia phù hợp và hiện đại thì những nỗ lực cải cách để tiến tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới đạt hiệu quả như mong ước.
Tấm gương phản chiếu sắc nét nhất thể chế này chính là tương quan so sánh với các chỉ số cạnh tranh quốc tế của WB, WEF, UNDP, WIPO, IT...
Sau một thời kì đất nước khá gian lao do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới lẫn do điều hành quốc gia, nhất là trong các chính sách kinh tế, Việt Nam đã có được những thành tích khả quan, gây dựng được tinh thần phấn khởi, tự tin như người đi đường dài bắt đầu gặt hái được hoa trái mới.
Hoa trái bên đường
Vài năm gần đây, đất nước đã có những thay đổi đáng ghi nhận trên nhiều bình diện: kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quản lý. Thành quả này là do ta đã biết rút ra được bài học không thành trước đó, đã xác định được vai trò kiến tạo của Nhà nước, phát huy được sức mạnh của toàn dân, gỡ khó cho kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển cho xã hội.
Nhờ đó mà trong hai năm gần đây GDP tăng trưởng trên 7%, được coi là một điểm sáng của thế giới vốn đang vật lộn với chiến tranh thương mại và bảo hộ mậu dịch; đã ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm được nợ công, tăng dự trữ ngoại hối, giữ được niềm tin vào đồng tiền Việt, cải thiện được năng suất lao động, tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu…
Việt Nam đã là một quốc gia hội nhập sâu rộng qua 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với các cam kết toàn diện cùng các chuẩn mực cao không chỉ về thương mại mà còn về các giá trị nền tảng khác như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, quản trị quốc gia, mà nếu thực hiện thành công, không chỉ đem lại cho đất nước những con số về thương mại hàng hóa dịch vụ cao trên thị trường quốc tế mà còn làm thay đổi về chất lượng môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước, giảm dần các tiêu cực của lề lối kinh doanh cũ: chộp giật, gian lận, tàn phá môi trường, góp phần nâng cao chất lượng của thể chế quốc gia, quản trị doanh nghiệp.
Các Nghị quyết của Chính phủ (19, 01, 35 và 02 gần đây) cho thấy phương pháp đặt môi trường quản trị quốc gia trong tương quan so sánh với quốc tế là phù hợp.
Về quản trị quốc gia, những năm gần đây, Chính phủ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, công chức thông qua việc tiếp nhận các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX … tham khảo các tiêu chỉ từ các bộ chỉ số cạnh tranh quốc tế của WEF, WB, UNDP, WIPO, TI… để đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng, quản trị quốc gia nói chung.
Các Nghị quyết của Chính phủ (19, 01, 35 và 02 gần đây) cho thấy phương pháp đặt môi trường quản trị quốc gia trong tương quan so sánh với quốc tế là phù hợp, phục vụ hiệu quả cho chính sách hội nhập sâu rộng. Trên lĩnh vực này, một số hoa trái đầu mùa thực sự đáng khích lệ: năng lực cạnh tranh quốc gia cải thiện nhanh nhất. Các chỉ số khác về đổi mới, sáng tạo, chính phủ điện tử, sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng… đang được cải thiện một cách khá tích cực, tuy hãy còn chưa đồng đều và bền vững.
Rừng ở phía trước
Những gì gặt hái được là đáng ghi nhận nhưng đó chưa phải là cánh rừng nhiệt đới tươi tốt. Ở đó, chất lượng tăng trưởng phải là bền vững, điều mà hiện nay chúng ta còn thiếu. Ở đó, chất lượng của thể chế đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao: quốc gia minh bạch, chính quyền giải trình, giới kỹ trị chuyên nghiệp trong điều hành và đạo đức cao trong công vụ. Ở đó, hạ tầng cứng mềm thực sự phải là bệ đỡ cho cạnh tranh để hàng hóa, dịch vụ của Viêt Nam phải tốt và rẻ .
Ở đó, chất lượng nguồn nhân lực phải rất cao, do đó cần một hệ thống giao dục và đào tạo nghề tiên tiến, nhất là trong thời đại kĩ thuật số và công nghê thông tin phát triển. Ở cánh rừng đó, môi trường kinh doanh phải thân thiện, quyền sở hữu tài sản phải được bảo vệ có hiệu quả, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp hợp đồng, phá sản doanh nghiệp hữu hiệu, các doanh nghiệp được tôn vinh... Chưa đủ, chất lượng về môi trường sống phải tốt toàn diện, các giá trị văn hóa, xã hội, đạo đức phải được tôn vinh. Nhà nước biết kiến tạo để kích thích phát triển và kịp thời giải quyết các vấn đề khi thị trường gặp trục trặc. Những yêu cầu đó, còn phải rất kiên trì, kiên quyết, dung cảm - tại thời điểm này hoa trái mới chỉ là đầu mùa.
Con đường để đến đó!
Để đến được cánh rừng tươi tốt này, rất nhiều việc cần phải làm. Xác định cho được mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường để dứt khoát lựa chọn phương thức, giải pháp, nguồn lực, các ưu tiên phát triển và các dự trữ can thiệp; phải tiếp tục cải cách thể chế một cách cơ bản toàn diện để tạo ra một môi trường kinh doanh canh tranh cao nhất, sáng tạo nhất, dân chủ nhất. Do đó, cần thay đổi tư duy về phát triển, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, với một bộ máy công chức tận tụy, liêm chính và sẵn sàng có trách nhiệm giải trình.
Đây là một việc rất khó khăn, khi thực tế vừa qua cho thấy chỉ một việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh (vốn là một việc không khó) mà vẫn loay hoay, vật vã mãi huống chi việc thay đổi tư duy để cải cách toàn diện quản trị quốc gia theo hướng hiện đại sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Thế giới đang cạnh tranh gay gắt với các diễn biến rất phức tạp. Để thoát bẫy "quốc gia thu nhập trung bình", để đất nước tránh được nghịch cảnh"chưa giàu đã già", để "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" không thế không cái cách với tốc độ cao và toàn diện. Phía trước, cánh rừng đang chờ đợi chúng ta!