Việt Nam lọt top 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

THY HẰNG 30/09/2020 18:13

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư”.

Tại họp báo về Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính, cắt giảm 37,31% thủ tục hành chính tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

def

Họp báo về Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025.

Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng kết quả cải cách thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới.

Cụ thể, xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.

“Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ có “3 đợt sóng”: Đợt một năm 2016 là cắt bỏ giấy phép con; tiếp đến đợt thứ 2 là cắt giảm, đơn giản hóa một nửa thủ tục hành chính và đợt thứ 3 lần này là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. 

Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các Bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).

“Theo điều tra của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện đã giảm 10%. Do đó, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ có sự đột phá hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Được biết, tại Nghị quyết lần này, Chính phủ giao mục tiêu tới các Bộ, ngành, theo đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất là tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Hai là, thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; ban hành và triển khai kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Ba là, tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền, chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Tăng cường đối thoại, tham vấn, đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao chất lượng lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang có hiệu lực thi hành cũng như các quy định dự kiến sẽ ban hành thông qua hội nghị, hội thảo và trực tiếp trên Cổng tham vấn do Văn phòng Chính phủ xây dựng, quản lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiến nghị cắt giảm thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài

    17:37, 09/06/2020

  • Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ khó cho doanh nghiệp sau COVID-19

    17:32, 26/05/2020

  • Giảm phí cảng biển và đòn bẩy cắt giảm thủ tục

    11:00, 17/04/2020

  • Uỷ ban Kinh tế đề nghị quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trên 3 lĩnh vực

    10:22, 21/10/2019

  • Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ cắt giảm thủ tục kinh doanh

    09:20, 15/05/2019

THY HẰNG