Hóa giải sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng

Thùy Linh 11/01/2018 17:48

Một trong những chuyên đề tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 thu hút được nhiều sự quan tâm đó là vấn đề Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững. Đây được coi là một trong những giải pháp hóa giải sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng.

Hội thảo chuyên đề Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp

Hội thảo chuyên đề Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đảm bảo an ninh năng lượng là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu cùng với đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo an ninh quốc phòng làm nền móng để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thực tế cho thấy, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước; tuy nhiên năng lượng hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch làm gia tăng hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, các nguồn nhiên liệu hoá thạch hiện nay đang dần dần cạn kiệt. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên như các dạng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu.

Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Việt Nam, được đánh giá có cường độ bức xạ cao, nhất là tại các khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đồng thời, theo các số liệu khảo sát ban đầu chúng ta đã phát hiện ra nhiều cánh đồng gió tiềm năng với lưu lượng và vận tốc gió lớn tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Việt Nam còn là nước có cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao, các phụ phẩm từ những ngành này hàng năm rất lớn…

“Đây là những nguồn tài nguyên có nhiều tiềm năng, có lợi thế so sánh để làm cơ sở để phát triển ngành năng lượng xanh ở Việt Nam. Để phát huy được những tiềm năng và lợi thế này, chúng ta cần sớm xây dựng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đón đầu để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ năng lượng xanh; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng xanh với giá hợp lý; tăng dần tỷ lệ năng lượng xanh trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đưa ra cái nhìn cụ thể hơn về nhu cầu năng lượng của Việt Nam, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016 – 2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026 – 2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE nguồn cung năng lượng. 

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược, một trong các giải pháp ưu tiên đó là thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, sản xuất nhiệt và nhiên liệu giao thông. Duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035.

Theo đó, để tăng tỷ lệ các nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với các cơ chế khuyến khích phù hợp để đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt….

Ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carmegie phân tích, phương thức tăng trưởng của Việt Nam sẽ quyết định tính tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Ông John Kerry  nhấn mạnh tới các chính sách năng lượng sạch, gồm năng lượng mặt trời, gió, sinh khối... Nếu tăng trưởng còn dựa vào than đá, điện than, thách thức sẽ lớn hơn nhiều, nhất là chất lượng cuộc sống. Chính phủ Việt Nam cần chuyển động nhanh hơn thông qua thể chế, khung khổ pháp luật, từ đó tạo sân chơi hấp dẫn, để Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.  

Thùy Linh