Kế hoạch "trăm tỷ" có "quá sức" với HVG?
Sau năm tài chính 2017 “bết bát” khi lỗ tới trên 700 tỷ đồng, Hùng Vương (HOSE: HVG) đặt mục tiêu sẽ có lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, với nhiều "điểm trừ", kế hoạch của Hùng Vương liệu có khả thi?
Theo báo cáo thường niên năm 2017, năm 2018 sẽ là năm tái cơ cấu lại tập đoàn này với việc thoái vốn ở một số công ty con và thanh lý một số bất động sản mà “vua cá tra” Hùng Vương nắm giữ.
Tham vọng lớn
Cụ thể, Hùng Vương đã thoái vốn tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta với việc bán 21.168.000 cổ phiếu với giá 23.000 đồng/cổ phiếu, đem lại gần 487 tỷ đồng. Đơn vị mua lượng cổ phần này là Tập đoàn PAN của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng.
Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng thanh lý mảnh đất 765 Hồng Bàng với giá trị chuyển nhượng 375 tỷ đồng.
Riêng với việc thoái vốn tại VTF, chưa có thêm thông tin mới ngoại trừ việc HĐQT HVG quyết định sẽ thoái trên 50%. Hiện HVG đang sở hữu gần 94,5 triệu cổ phiếu VTF, tương ứng 90,38% vốn với giá vốn mua ban đầu chỉ 7.512 đồng/cp. Nếu bán toàn bộ lượng cổ phần sở hữu trên với giá vốn ban đầu, Hùng Vương có thể thu về 709 tỷ đồng.
Năm 2018, HVG đặt kế hoạch doanh số toàn tập đoàn khoảng 10.000 tỷ đồng từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản (bã nành, cám, khoai mì…) nội địa và thoái vốn đầu tư. Lợi nhuận trước thuế ước đạt từ 800 tỷ đồng.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt khoảng 300 triệu USD từ cá và tôm. Năm 2017, thị trường xuất khẩu lớn nhất của HVG là Mỹ, chiếm tỷ trọng 44% kim ngạch, theo sau là các thị trường Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Mexico…
Liệu có quá sức?
Tính đến hết niên độ 2016-2017 (30/9/2017), HVG đang lỗ lũy kế gần 424 tỷ đồng. Nếu năm 2018, HVG thực hiện được kế hoạch đề ra, công ty sẽ xóa được hết lỗ lũy kế. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên HVG đặt kế hoạch lãi lớn sau một năm thua lỗ.
Năm 2017, công ty cũng đặt kế hoạch lãi 400 tỷ đồng trong niên độ 2016-2017 dù niên độ trước đó thua lỗ 49 tỷ đồng. Kết quả thực hiện của niên độ 2016-2017 của HVG thậm chí còn đáng thất vọng hơn so với kỳ trước khi ghi nhận số lỗ 713 tỷ đồng.
Đồng thời, tình hình nợ vay của Hùng Vương không cải thiện như dự tính của vị Chủ tịch HĐQT. Công ty đã giảm nợ vay ngắn hạn từ 7.649 tỷ xuống 7.069 tỷ đồng và vay dài hạn chỉ giảm từ 1.060 tỷ xuống 671 tỷ đồng.
Hơn nữa, Hùng Vương liên tiếp mắc lỗi vi phạm công bố thông tin do chậm nộp BCTC khiến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ 16/1/2017 và vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/1/2018. Theo đó, cổ phiếu mất gần 50% giá trị trong một năm qua.