Chính phủ sắp đối thoại với doanh nghiệp ôtô về khó khăn của Nghị định 116
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng sẽ chủ trì cuộc họp này.
VPCP cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán về các phản ánh liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 về ôtô và Thông tư 03 của Bộ GTVT.
Dự kiến cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 26/2 với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu; Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại Châu Âu cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ôtô.
VPCP đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hai văn bản nói trên, đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc; thông lệ quốc tế, kinh nghiệm của các nước liên quan đến vấn đề này.
Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định đã nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều từ phía các doanh nghiệp.
Đầu năm 2018, Bộ GTVT ban hành Thông tư 03 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về Thông tư này.
Theo các phản ánh của doanh nghiệp, có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03. Đó là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ôtô.
Tại cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết đã nhận được thư, ý kiến của cơ quan đại sứ, các tổ chức gửi Thủ tướng, đề nghị xem xét chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét lại Nghị định 116.
Do ảnh hưởng của Nghị định này, mới đây một số hãng xe như Toyota và Honda tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu xe tới thị trường Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/1, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô ở Indonesia (Gaikindo) gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công nghiệp Indonesia. Theo đó, Gaikindo thông báo 4 hãng ôtô lớn là Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã ngừng kế hoạch sản xuất 9.337 ôtô cho thị trường Việt Nam. Những chiếc xe này từng được dự kiến sản xuất từ 12/2017 – 03/2018.
Ông Jongkie Sugiarto, đồng chủ tịch Gaikindo, cho biết các nhà sản xuất ôtô của Indonesia không gặp vấn đề gì trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng từ phía Việt Nam, như tiêu chuẩn Euro IV, túi khí hay hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Tuy nhiên, ông cho rằng việc kiểm tra các mẫu xe lại là một rắc rối.