31% doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin

Nguyễn Long 14/03/2018 13:15

Theo báo cáo vừa được công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, trong năm 2017 có đến 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và thương mại điện tử (TMĐT).

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018.

Sáng nay (14/3), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018” tại Hà Nội. Trong báo cáo của VECOM, khảo sát các năm cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT có xu hướng tăng lên, năm 2016 có 29% doanh nghiệp gặp khó khăn thì sang năm 2017 đã có tới 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang là nhu cầu lớn nhất đối với các doanh nghiệp, 46% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này.

Nguồn lao động thiếu hụt, trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay lại đang rất chú trọng trong việc tuyển dụng lao động chuyên trách về thương mại điện tử. Đặc biệt nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao hơn nhiều so với nhóm DN vừa và nhỏ. Trong đó, lĩnh vực CNTT truyền thông, tài chính, và bất động sản có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao nhất ( đều chiếm 49% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát).

Theo khảo sát này, lao động hiện nay còn thiếu các kỹ năng sau: khai thác, sử dụng các ứng dụng của TMĐT; kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thương của máy vi tính; xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT; quản trị cơ sở dữ liệu; tiếp thị trực tuyến và triển khai thanh toán trực tuyến.

Các doanh nghiệp hiện đang cần nguồn lao động có trình độ về CNTT và TMĐT bởi hiện nay kinh doanh trên mạng xã hội và sàn giao dịch TMĐT đang đem lại hiệu quả cao. Theo khảo sát của VECOM cho thấy trong năm 2017 có 32% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, 11% doanh nghiệp triển khai kinh doanh trên các sàn TMĐT (giảm 2% so với năm 2016). Việc quảng cáo trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm hiện là hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp với tỷ lệ tương ứng và 46% và 39%.

Báo cáo của VECOM cũng chỉ ra còn khá ít doanh nghiệp sử dụng các phần mềm phức tạp trong việc triển khai như quản lý khách hàng (CRM), quản lỹ chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Xu hướng sử dụng các phần mềm này chưa có dấu hiệu thay đổi so với các năm trước. Xét trong nhóm doanh nghiệp lớn thì có 94% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm tài chính kế toán, 83% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm quản lý nhân sự. Nhìn chung nhóm doanh nghiệp lớn vẫn có tỷ lệ sử dụng các phần mềm chuyên dụng cao hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể thấy mức độ chênh lệch của việc sử dụng các phần mềm giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ là khá cao, đặc biệt là đối với phần mềm ERP thì độ chệnh lệch lên tới gần 3 lần.

Nguyễn Long