Dự án “đắp chiếu” 3 năm được “hồi sinh”

Ngọc Hà 13/05/2018 06:00

Mặc dù đã được hồi sinh, tuy nhiên khó khăn với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX) vẫn ở phía trước bởi khoản vốn cung ứng trị giá 42 tỷ đồng chỉ có thể duy trì trong khoảng 3 tháng.

Nhà máy

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTEX)

Trước đó, dự án PVTEX đã dừng hoạt động vào tháng 9/2015. Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Dự án này cũng không ít lần được hứa hẹn sẽ khởi động lại cho đến khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bơm 41,98 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm “đắp chiếu” dự án đã khởi động lại một số phân xưởng từ ngày 20/4/2018.

Được biết, trong số 42 tỷ đồng PVN đầu tư lần này, trong đó có khoảng 8 tỷ đồng là chi tạm ứng hỗ trợ bổ sung lưu động từ nguồn quỹ tương trợ dầu khí để sản xuất kinh doanh sợi DTY và POY. Ngoài ra, 33,98 tỷ đồng còn lại là khoản chi có hoàn trả nhằm đáp ứng nhu cầu kinh phí tối thiểu thực hiện kế hoạch khởi động lại nhà máy.

Theo đó, số tiền này được chi vào việc trả nợ cho Khu công nghiệp Đình Vũ, theo phán quyết của tòa án và một nhà cung cấp khác nhằm đáp ứng yêu cầu về điện, nước… cho nhà máy vận hành (khoảng 22,98 tỷ đồng). Còn lại 11 tỷ đồng là chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của nhà máy trong khoảng thời gian tầm 3 tháng.

Mặc dù một số phân xưởng đã được đi vào sản xuất từ cuối tháng 4 vừa qua, tuy nhiên theo PVN, dự án vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước bởi nguồn vốn cung ứng trên chỉ có thể duy trì cho nhà máy khoảng 3 tháng. Chính vì vậy, điều cần thiết là các cổ đông phải có phương án hỗ trợ khác như bơm thêm vốn để nhà máy tiếp tục sản xuất, kinh doanh theo phương án đã được phê duyệt.

Một thông tin được cho là “điểm sáng” của dự án đó là biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí và các đối tác nước ngoài về hợp tác sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các phân xưởng kéo sợi, ngày 27/04/2018 PVTEX đã ký Thỏa thuận khung tiêu thụ sản phẩm sợi DTY với hai Công ty tiêu thụ sản phẩm DTY chính là Công ty cổ phần Thương mại Dệt may Tín Thành và Công ty TNHH Vân Nam. Ngoài ra, có một số khách hàng lớn khác cũng đã quan tâm và đặt hàng, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ hết.

Như vậy, với những tín hiệu khởi sắc như đã nêu mở ra những triển vọng tươi sáng hơn các ngành dệt may trong mục tiêu làm chủ nguồn nguyên liệu.

Ngọc Hà