Kế nghiệp sáng tạo trong doanh nghiệp gia đình
Doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào.
Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà: Cấu trúc lại doanh nghiệp để chuyển giao
Tôi đã dự định sẽ chỉ điều hành đến năm 60 tuổi sau đó sẽ “nghỉ hưu”. Tuy nhiên, năm nay tôi đã 60 tuổi nhưng việc chuyển giao vẫn khó khăn.
Con trai và con gái tôi đều đi du học tại nước ngoài lần lượt trong các ngành tài chính và makerting. Tuy nhiên, khi tham gia vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp thì lại khó khăn.
Để chuyển giao thế hệ thành công, chúng tôi đang tính đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp, để thế hệ tiếp theo sẽ bớt bị áp lực.
Bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Cởi mở với thế hệ kế nghiệp
Muốn kế nghiệp thành công, tất cả các thế hệ phải thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình phải cởi mở hơn khi cùng tham gia điều hành tổ chức. Thế hệ đi trước cần sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.
Tại Tân Hiệp Phát có cả Ban cố vấn với các chuyên gia và TGĐ doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Ban cố vấn chỉ làm việc duy nhất là chất vấn Chủ tịch HĐQT. Theo đó, Chủ tịch phải giải thích cho những người không tham gia vào quá trình điều hành về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp.
Đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực, đồng thời đưa cả những nhân sự từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Duy Ninh - Chủ tịch lâm thời CLB Kế nghiệp Việt Nam, Giám đốc điều hành công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm: Ý thức của thế hệ kế nghiệp
Doanh nghiệp gia đình tư nhân của Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ.
Sự chuyển giao kế nghiệp bản chất là tiếp quản trọng trách lớn, nhiều người thế hệ thứ hai có khả năng nhưng không có mong muốn.
Thậm chí chịu áp lực rất lớn từ thế hệ đi trước với nhiều kỳ vọng.
Vì vậy, bản thân thế hệ đi sau phải định hướng tính xem được chuyển giao như thế nào?
Sau đó mới là câu chuyện phối kết hợp với thế hệ đi trước.
Ông Nguyễn Hồng Phong - TGĐ Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông: Trao trách nhiệm cho thế hệ đi sau
Hiện nay, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đang trong giai đoạn chuyển giao kế nghiệp cho thế hệ thứ 3.
Khác với xu hướng chung của các doanh nghiệp gia đình khác, thường đào tạo thế hệ kế nghiệp tại các nước phát triển với nền giáo dục tiên tiến.
Tôi khuyến khích cho thế hệ thứ 3 học tập trong nước thay vì đi du học.
Cùng với đó là sớm tham gia vào hoạt động của công ty ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học. Qua đó hiểu được trách nhiệm đối với gia đình.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình cùng những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder…
Trụ cột nền kinh tế
Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Hoà Phát…
Khẳng định các doanh nghiệp gia đình đang đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc một lần nữa nhấn mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước.
Để thành công trong doanh nghiệp gia đình, Chủ tịch VCCI cho rằng, quản trị doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Phải xây dựng được quản trị chuyên nghiệp, không thể gia đình trị và tình trị mà phải kỹ trị và phải có quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Các thành viên gia đình được khuyến khích tham gia vào đầu tư, quản trị doanh nghiệp. Khi tuyển dụng các thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Có vậy doanh nghiệp mới phát triển, nếu không muốn phải đối mặt sự thua kém doanh nghiệp khác và rồi thất bại”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Kinh nghiệm thành công của các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới cũng cho thấy bài học tuyển dụng các thành viên vào vị trí quản trị phải chuyên nghiệp. Thậm chí, nếu thành viên gia đình không đảm bảo năng lực quản trị hoàn toàn có thể tuyển dụng nhân sự quản trị từ bên ngoài.
Không như kỳ vọng
Theo ông David Tay, Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam: Doanh nghiệp gia đình có những tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp gia đình chiếm 66% GDP toàn cầu, đóng góp từ 60.000 đến 70.000 tỷ USD cho toàn cầu.
Đáng chú ý hơn, ông David Tay cho biết, hơn 80% doanh gia đình kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp gia đình tăng ở mọi lĩnh vực, có đến 69% kỳ vọng doanh nghiệp thu cao hơn, và có 16% kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho thấy điểm tương tự, chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 2, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ ba và và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ tư. Chỉ 57% doanh nghiệp sẽ có kế hoạch bàn giao trong 10 năm tới. Tuy nhiên, con số này cao hơn ở các nước Đông Nam Á.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam chủ yếu hình thành từ những năm 1990, thời điểm đó, các doanh nhân khởi nghiệp thường ở tuổi 30-35, đến nay những doanh nhân đó cũng đã ở tuổi 70 tuổi.
Vấn đề khiến ông Phan Đức Hiếu quan ngại, đó là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển giao với tầm nhìn rộng hợn, chiến lược tốt, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, phải tách biệt giữa hoạt động sở hữu và điều hành công ty, phải chọn được người có năng lực, nếu trong thế hệ tiếp theo nếu chưa có năng lực quản trị hãy chờ đến thế hệ tiếp theo.
Ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân Deloitte Việt Nam chia sẻ: “Tôi từng nhìn thấy hai cha con một gia đình doanh nhân vào chung một nhà hàng, cả hai đều không nói chuyện với nhau cho tới khi có người thứ ba xuất hiện. Tôi cho rằng, dù có chuyển giao thành công hay không, sự chia sẻ nên bắt đầu từ mỗi bữa ăn trong gia đình. Trong gia đình nói chuyện, hiểu, tin tưởng và đồng cảm được với nhau rồi hãy đặt vấn đề chuyển giao”.
Tổng số vốn của 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay lên đến trên 3.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. |